Thị trường hàng hóa
Không giống như nhiều nghề nghiệp khác, sự nhìn nhận của xã hội đối với vai trò của một người thầy chân chính không thay đổi theo thời gian và với bất cứ quốc gia nào trên thế giới - đó là người định hướng, truyền tải tri thức và các giá trị đạo đức tốt đẹp. Nghề nhà giáo luôn được xã hội coi là một nghề cao quý và đóng vai trò then chốt đưa nhân loại ngày càng tiến bộ.
Tổ chức UNESCO đã chọn ngày 5 tháng 10 hàng năm là ngày nhà giáo quốc tế nhằm vinh danh các tổ chức giáo viên trên toàn thế giới, đồng thời đảm bảo nhu cầu giáo dục của các thế hệ tương lai tiếp tục được thỏa mãn. Hơn 100 quốc gia trên thế giới tổ chức kỷ niệm ngày nhà giáo theo lựa chọn của UNESCO. Tuy nhiên, cũng giống như Việt Nam, nhiều quốc gia trên thế giới cũng có ngày nhà giáo của riêng mình.
Ngày Nhà giáo Việt Nam
Sự ra đời của "Ngày Nhà giáo Việt Nam" gắn liền với lịch sử của tổ chức Giáo giới tiến bộ trên thế giới. Năm 1946, một tổ chức quốc tế các nhà giáo tiến bộ được thành lập ở Paris lấy tên là FISE (Féderation International Syndicale des Enseignants - Liên hiệp quốc tế các Công đoàn Giáo dục). Năm 1949, tại Hội nghị quốc tế Vacsava, tổ chức FISE xây dựng một bản "Hiến chương các nhà giáo" gồm 15 chương. Nội dung chủ yếu là xây dựng nền giáo dục tiến bộ; bảo vệ những quyền lợi vật chất và tinh thần chính đáng của nghề dạy học và nhà giáo.
Mùa xuân năm 1953, Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Nguyễn Khánh Toàn làm trưởng đoàn dự Hội nghị quan trọng kết nạp Công đoàn giáo dục của một số nước vào tổ chức FISE tại Viên (Thủ đô nước Áo), trong đó có Công đoàn Giáo dục Việt Nam. Chỉ một thời gian ngắn sau khi thành lập (22/7/1951), Công đoàn giáo dục Việt Nam đã được kết nạp là một thành viên của FISE.
Từ ngày 26 đến 30/8/1957, tại Thủ đô Vacsava, Hội nghị FISE có 57 nước tham dự, trong đó có Công đoàn giáo dục Việt Nam, quyết định lấy ngày 20 tháng 11 làm ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo. Năm 1958, lần đầu tiên ngày Hiến chương các nhà giáo quốc tế được tổ chức trên toàn miền Bắc. Ngày 20/11 bắt đầu trở thành niềm tự hào của các nhà giáo và dần dần đi vào tiềm thức của nhân dân và các thế hệ học sinh Việt Nam.
Ở Mỹ
Hiệp hội Giáo dục Quốc gia Mỹ đã diễn tả ngày nhà giáo của Mỹ như là một ngày tôn vinh và ghi nhận những đóng góp và cống hiến của những người làm công tác giáo dục cho sự phát triển cuộc sống của mọi người. Nguồn gốc ngày nhà giáo ở Mỹ không rõ ràng. Vào khoảng năm 1944, một giáo viên ở Arkansas là Mattye Whyte Woodridge bắt đầu kiến nghị với những người lãnh đạo trong lĩnh vực giáo dục và chính trị việc cần thiết phải có một ngày tôn vinh các nhà giáo. Một trong những người lãnh đạo mà ông viết thư tới đó là bà Eleanor Roosevelt. Bà đã thuyết phục quốc hội tuyên bố ngày nhà giáo vào năm 1953.
Hiệp hội Giáo dục Quốc gia cùng với các thành viên ở bang Kansas và Indiana đã vận động quốc hội lấy một ngày trong năm làm ngày nhà giáo quốc gia. Quốc hội đã tuyên bố ngày 7 tháng 3 năm 1980 như là ngày hiến chương nhà giáo của năm đó. Sau đó, họ tiếp tục tổ chức vào tuần đủ đầu tiên của tháng năm hàng năm cho đến năm 1985 và duy trì cho đến ngày nay.
Tại Trung Quốc
Năm 1984, Wang Zishen, Nguyên Chủ tịch Đại học Bắc Kinh, đã đề xuất thành lập một ngày kỷ niệm để tôn vinh các nhà giáo Trung Quốc. Đến năm 1985, quốc gia này đã thống nhất chọn ngày 10 tháng 9 hàng năm là ngày hiến chương nhà giáo của mình. Ngày nay, nhiều người Trung Quốc muốn chuyển ngày lễ này sang ngày 28 tháng 9 là ngày sinh của Khổng Tử.
Là một quốc gia phương Đông vốn có truyền thống coi trọng đạo lý “tôn sư trọng đạo”, nhiều thế hệ học sinh cũng như các bậc ông bà, cha mẹ Trung Quốc đến viếng thăm các đền, miếu thờ những vị hiền triết có công tạo dựng nền giáo dục và triết lý sống nhân sinh quan của Trung Quốc như Lão Tử, Khổng Tử, Trang Tử...
Ở Hàn Quốc
Ngày hiến chương nhà giáo của Hàn Quốc là ngày 15 tháng 5. Các học sinh tặng thầy cô giáo của họ những bông hoa cẩm chướng để biểu hiện cho tình yêu và lòng tôn kính. Ngoài ra, cũng giống như ở Việt Nam, các cựu học sinh thường đến viếng thăm và tặng những món quà đầy ý nghĩa cho thầy cô giáo cũ. Hầu hết các học sinh được nghỉ học trong ngày lễ này.
Tại Ba Lan
Ngày 14 tháng 11 được coi là ngày nhà giáo hay còn gọi là ngày giáo dục quốc gia Ba Lan. Vào ngày này năm 1773, vua Ba Lan Stanisoaw Poniatowski đã thành lập Ủy ban giáo dục quốc gia.
Ngày hiến chương nhà giáo ở Ba Lan được các nhà giáo và học sinh đánh giá cao. Theo truyền thống, học sinh mang những bó hoa tươi và món quà nhỏ kính tặng những người thầy của họ. Họ tổ chức kỷ niệm dưới nhiều hình thức khác nhau ở trường học. Những buổi tụ tập, liên hoan được tổ chức ở trường cho cả giáo viên và học sinh. Học sinh chuẩn bị những tiết mục diễn văn nghệ và hòa nhạc. Những bậc phụ huynh cũng đến trường cùng với con cái họ để cảm ơn các thầy cô giáo.
Tại Đài Loan
Lễ Nhà giáo ở Đài Loan được tổ chức vào ngày 28/9 hằng năm, nhằm ngày sinh nhà giáo dục lớn nhất Trung Quốc cổ đại: Khổng Tử. Để bày tỏ lòng tri ân, các em học sinh sẽ tặng các thầy cô thiệp, hoa, quà các loại.
Ngoài ra, vào 6h sáng 28/9, 54 nhạc sĩ mặc bộ đồ thời nhà Minh (áo đỏ và mũ đen) đánh trống tại đền thờ Khổng Tử ở Đài Bắc mở đầu cho ngày lễ Khổng Tử. Lễ vật ở đây là một con bò, một con dê và một con lợn. Bộ lông của những con vật này được gọi là Bộ lông của sự thông thái.
Ở Thái Lan
Ngày 31 tháng 11 năm 1956, nội các Chính phủ Thái Lan thông qua quyết định chọn ngày 16 tháng 1 hàng năm là ngày nhà giáo Thái Lan. Ngày nhà giáo đầu tiên được tổ chức vào năm 1957.
Ngày hiến chương nhà giáo Thái Lan là một ngày lễ tôn kính của một quốc gia đạo Phật. Ngày này, các học sinh và toàn thể cộng đồng cùng nhớ lại vai trò quan trọng của những người thầy giáo như những ân nhân và là người đem lại ánh sáng cho cuộc sống. Trong cả buổi sáng, họ thường tổ chức một lễ kỷ niệm đặc biệt dành cho giáo viên. Điểm nổi bật của ngày này bao gồm các hoạt động tôn giáo. Một buổi lễ tôn giáo được tổ chức để cầu nguyện cho các nhà giáo và các hoạt động khác nhằm tăng cường sự thống nhất trong giới giáo viên.
Ở Ấn Độ
Ngày 5/9 hàng năm là một ngày đặc biệt ở Ấn Độ với nhiều hoạt động tri ân dành cho những “người lái đò”, đồng thời cũng là ngày sinh của cố tổng thống nước này Sarvapalli Radhakrishnan.
Trong ngày này, lớp học bình thường sẽ biến thành nơi tổ chức hoạt động múa hát, nhạc kịch hay bất kỳ hình thức nào khác nhằm mang đến niềm vui cho các thầy cô và tập thể ;pướ. Ở một số trường đại học và cao đẳng, bữa ăn trưa đặc biệt sẽ được chuẩn bị sẵn sau khi chương trình văn nghệ kết thúc.
Lễ kỷ niệm ngày 5/9 sẽ dành tặng các phần thưởng tôn vinh và đánh giá đóng góp của giáo viên trong một số lĩnh vực như khoa học, toán học, khoa học nhân văn, tâm lý… Thiệp chúc mừng cũng là món quà yêu thích của các giáo viên.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm