Thị trường hàng hóa
Ông Sandiaga Uno, Bộ trưởng Du lịch Indonesia, cho biết Nga đã đề nghị bán dầu cho nước này với giá thấp hơn 30% so với giá thị trường quốc tế. Ông nói rằng Tổng thống Indonesia Joko Widodo đang cân nhắc việc này. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại điều này sẽ phạm vào lệnh cấm vận của Mỹ.
Theo vị quan chức này, các cuộc thảo luận để cung cấp dầu cho một khách hàng châu Á với mức giá thấp hơn 30% so với giá quốc tế có thể là một dấu hiệu cho thấy Nga đang cố gắng ngăn chặn kế hoạch của nhóm các nước cường quốc công nghiệp G7 (Diễn đàn của 7 đại cường quốc có nền kinh tế công nghiệp phát triển với kỹ nghệ tiên tiến trên thế giới) về việc áp trần với giá dầu của Nga bán ra thị trường quốc tế. Kế hoạch áp trần giá dầu đó sẽ cho phép các bên thứ ba dễ dàng mua dầu thô của Nga với mức giá thấp do các nước phương Tây đặt ra.
Nga cũng có thể đang cố gắng tìm kiếm khách hàng mua dầu mới thay thế những khách hàng ở châu Âu khi họ bị cấm mua dầu của Nga vào cuối năm nay. Vòng trừng phạt thứ 6 của Liên minh châu Âu (EU) sẽ có hiệu lực ngày 5/12. Lệnh này gồm cấm nhập dầu Nga, cấm cung cấp dịch vụ bảo hiểm và tài chính cho tàu chở dầu Nga. Giới chức Mỹ lo ngại việc này sẽ khiến giá dầu tăng cao, từ đó khiến lợi nhuận của Nga càng lớn.
Một số quốc gia châu Âu đã lên tiếng ủng hộ ý tưởng loại bỏ ngoại lệ đối với mức trần cho dầu Nga. Song một số khác cho rằng điều này chỉ hiệu quả nếu phần lớn các nước mua dầu Nga ở châu Á, cụ thể là Ấn Độ, nước đồng ý tham gia lệnh cấm của phương Tây.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết, G7 đang thảo luận nghiêm túc về đề xuất trên, nhưng đây là một vấn đề phức tạp và cần sự hỗ trợ của các quốc gia khác. Ông Wally Adeyemo, Thứ trưởng Tài chính Mỹ, sẽ đến Ấn Độ trong tuần này để gặp gỡ các quan chức chính phủ và doanh nghiệp để thảo luận về an ninh năng lượng, tài chính, biến đổi khí hậu và công nghệ năng lượng sạch.
Do phụ thuộc lớn vào nguồn cung năng lượng từ Nga, phương Tây đang tìm cách hạn chế nguồn thu của Nga mà không làm ảnh hưởng đến nguồn cung hoặc khiến giá tăng cao. Đó là lý do một số nước đưa ra ý tưởng áp giá trần đối với dầu mỏ của Nga, nghĩa là áp đặt một mức giá thấp hơn nhiều so với giá thị trường mà Nga sẽ nhận được.
Dựa trên chi phí sản xuất dầu và giá dầu của Nga trước khi xung đột Ukraine nổ ra, phương Tây đang tính áp trần giá bán dầu Nga quanh 40-60 USD/thùng. Tại Hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra ở Đức cuối tháng trước, lãnh đạo các nước phương Tây đã thống nhất xem xét các phương án áp trần giá, như cấm bảo hiểm và vận chuyển dầu cũng như các sản phẩm từ dầu của Nga, trừ khi giá bán dưới mức trần.
Moscow nhiều lần cảnh báo, việc phương Tây áp trừng phạt với ngành năng lượng của Nga không khác nào "tự sát". Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết, Nga sẽ ngừng cung cấp dầu cho thị trường thế giới nếu bị áp giá trần. Tổng thống Vladimir Putin nhấn mạnh, giá dầu sẽ tăng vọt nếu phương Tây áp giá trần với dầu mỏ Nga.
Dưới sức ép của làn sóng trừng phạt đến từ phương Tây, Nga đang tăng cường xuất khẩu dầu sang châu Á cùng những thị trường xa xôi khác. Dữ liệu của Refinitiv cho thấy, nhập khẩu dầu Nga của Hà Lan và Estonia trong tháng 8/2022 là 0, so với lần lượt 365.000 và 170.000 tấn của tháng trước đó.
Ở chiều hướng khác, nhập khẩu dầu Nga của Singapore tháng này có thể chạm ngưỡng 350.000 tấn, so với mức 0 của tháng 6 và tháng 7/2022. Xuất khẩu dầu Nga theo dạng tàu đến tàu (STS) đến cảng Kalamata của Hy Lạp cũng tăng gần 25% so với tháng trước, lên gần 1 triệu tấn vào tháng 8/2022.
Phiên giao dịch ngày 25/8 (giờ Việt Nam), giá dầu thế giới tiếp tục tăng trong bối cảnh thị trường dầu mỏ giảm sản lượng. Cụ thể, dầu thô Brent tăng 1,05 USD lên 101,05 USD/thùng. Cùng thời điểm, dầu thô WTI của Mỹ tăng 1,3 USD lên 95,23 USD/thùng.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm