Thị trường hàng hóa
Mùa nấm mối thường về theo những cơn “mưa nấm mối”. Đó là những cơn mưa bất chợt, không hề báo trước, bầu trời vẫn trong xanh, nắng vẫn vàng như mật rót… mà mưa rơi vẫn cứ rơi. Cái tiết trời “hai trong một” ấy khởi đầu cho chuỗi ngày rộn ràng… xua tan cái yên tỉnh vốn có của một vùng quê.
Mùa nấm mối bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 6 âm lịch và rộ vào khoảng giữa tháng 5. Ở một số tỉnh miền Đông Nam bộ, nấm mối cũng được tìm thấy rải rác trong các cánh rừng cao su. Nhưng để gọi tên “xứ sở” thì đồng bằng sông Cửu Long mới là quê hương của nấm mối, đặc biệt là Bến Tre. “Tương truyền” không có nấm mối ở đâu có thể qua mặt nấm mối Bến Tre cả về số lượng lẫn chất lượng.
Nấm mối nhổ sướng hơn ăn?
Có dịp về Bến Tre đúng vào mùa nấm rộ, bạn sẽ cảm nhận được thế nào là “Ăn nấm mối là một trải nghiệm thú vị nhưng nhổ nấm mối còn thú vị hơn nhiều”.
Vào mùa, người ta có thể đi nhổ nấm 24/24 giờ trong ngày, bất kể khi nào có cảm hứng, có sự hoài nghi, suy đoán, thậm chí là chỉ đi cầu may… Nhưng tập trung đông nhất vẫn là lúc hừng đông.
Cứ như thể đang vào mùa gặt, từ khắp các ngôi nhà, bất kể nam phụ lão ấu, mọi người túa ra, nói cười rộn rã, í ới gọi nhau, có nhóm tụm năm tụm ba, có người lặng lẽ “độc lập tác chiến”. Nơi họ hướng đến là các chân ruộng, góc vườn, bờ rào, mô đất…
Trên các gò mối, những tai nấm màu xám trắng xuyên mặt đất ngoi lên. Nấm nằm xếp lớp thành từng cụm, tràn lan quanh gò, những tai nấm bum búp, thân nấm săn chắc, bẻ ngang chân nấm phát ra âm thanh lốc cốc giòn giã rất vui tai. Người nhổ nấm cứ lần theo mê miết, càng nhổ, nấm như từ đất chui lên cứ hiện ra, hiện ra. Đây chính là sự hấp dẫn của công việc nhổ nấm mối.
Đặc biệt, sự thú vị trong việc nhổ nấm mối còn nằm ở chỗ nó mang hơi hướm “tâm linh không tin không được”. Dân gian tin rằng những người “nặng bóng vía” sẽ không bao giờ nhìn thấy nấm, cho dù có đi ngang qua gò đầy nấm mọc, cho dù nấm bị họ giẫm nát dưới chân. Vì thế những người bị “nặng bóng vía” thường được khuyến cáo nên “ở nhà chờ… ăn”.
Cũng vì việc này mà hồi nhỏ, tôi không bao giờ được ngoại cho theo kiếm nấm vì cho rằng tôi nặng bóng vía. Không cam tâm, thế là một buổi chiều chạng vạng, tôi lén một mình đi kiếm nấm. Không thể tưởng tượng, tôi vui đến mức nào khi phát hiện ra một gò nấm. Nhìn một rừng tai nấm vừa nứt đất nhú lên như những cái ngòi viết. Tôi lấy tàu lá chuối đậy lại làm dấu để nuôi qua đêm cho nấm lớn.
Đêm đó, tôi trằn trọc mãi, thế là ngủ quên luôn. Chừng chạy ra gò nấm thì… hỡi ơi gò nấm đã bị nhổ sạch. Tôi thất thểu vào nhà cũng vừa lúc bà ngoại tôi nấu xong nồi bánh canh nấm mối thơm ngào ngạt.
Mới biết nấm mối là do bà ngoại nhổ ở chỗ tôi làm dấu chiều qua. Tôi vừa ăn vừa tiếc đứt ruột “đúc kết”: “Nấm mối nhổ sướng hơn ăn”. Không tin, mời bạn về Bến Tre quê tôi vào mùa nấm rộ, cùng trải nghiệm nhổ nấm và thưởng thức món ăn độc đáo này.
Thưởng thức món ăn từ nấm mối
Nấm mối được ưa chuộng bởi hương thơm và vị ngọt giòn rất đặc biệt khiến nó không lẫn với loại nấm khác. Nấm mối nhổ về cạo sạch đất bám ở chân nấm, ngâm sơ qua nước muối, rửa sạch, để ráo là có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon.
Dùng làm món ăn cơm thì có: Nấm mối nấu canh. Nấm mối xào thơm, cho nước vào đun sôi lên, nêm nếm gia vị, thêm một nắm rau tập tàng và một quả mướp hương là đã có tô canh ngọt ngất ngây. Món mặn thì có nấm mối kho tiêu, kho xả hay rang muối ớt.
Để làm món ăn chơi thì nấm mối tỏ ta vô cùng lợi hại:
Kết hợp với dừa có món nấm mối xào lá cách nước cốt dừa. Cách làm rất đơn giản. Nấm mối rửa sạch, để ráo. Một nắm lá cách xắt nhuyễn, một chén nước cốt dừa (tất cả đều có sẵn trong vườn nhà). Nấm xào chín, nêm nếm vừa ăn, cho nước cốt dừa vào, chờ sôi trở lại thêm lá cách vào đảo đều, tắt bếp.
Món nấm mối xào lá cách nước cốt dừa ăn nóng với muối ớt chanh. Vị ngọt giòn của nấm, vị béo của nước cốt dừa, mùi thơm dân dã của lá cách, một chút mặn của muối, một chút chua của chanh, một chút cay của ớt… Ngoài là một món ngon độc lạ, đây còn là một món ăn làm nên hương vị quê hương đậm đà không chỉ cho người bản xứ mà còn là niềm luyến lưu của du khách.
Kế đến là món bánh xèo nhân nấm mối. Bánh xèo cuốn bên trong chiếc lá cách cùng với một họ hàng nhà rau đa sắc màu, chấm ngập cuốn bánh trong chén nước mắm chua ngọt, đưa lên miệng, cắn một cái… Chèn ơi! Ta nói…
Nấm mối còn có thể nấu bánh canh bột xắt, nấu hủ tiếu, nấu cháo… Món nào cũng ngon thấu trời đất. Món nào cũng có thể làm “mồi nhậu”, đặc biệt là với rượu đế Phú Lễ.
Kể từ ngày xây cầu Rạch Miễu, đường sá thông thương, nấm mối không còn quanh quẩn trong mấy liếp vườn, bên dòng sông quê nữa. Nó được thị dân thành phố nâng lên “ngang tầm sâm nhung dãi yến”, với giá cả hàng triệu đồng một ký. Cũng không biết vui hay buồn.
Bây giờ đã là tháng 10, mưa đã bắt đầu dầm dề, lê thê. Mùa nấm mối đã đi qua. Người dân quê tôi lại đếm tháng năm chờ đợi mùa về.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm