Thị trường hàng hóa
Một nghiên cứu vừa được thực hiện bởi Nhà kinh tế học James Pomeroy của Tập đoàn tài chính đa quốc gia HSBC với tiêu đề “Báo cáo Thị trường tiêu dùng châu Á năm 2030”. Công trình này dựa trên một cơ sở dữ liệu nhân khẩu học độc quyền.
Theo đó, tại Đông Nam Á, hiện quy mô dân số có thu nhập trên 20 USD (khoảng 480.000 đồng) mỗi ngày của Việt Nam đang đứng sau Indonesia và Thái Lan. Tuy nhiên, vào 2030, Việt Nam sẽ vượt Thái Lan, nền kinh tế dự báo có 38 triệu người kiếm trên 20 USD mỗi ngày vào cuối thập kỷ.
HSBC dự báo vào thời điểm năm 2030 sẽ có khoảng 48 triệu người Việt Nam (ước tính khoảng 50% dân số) thu nhập trên 20 USD, tính theo sức mua tương đương (PPP 2011). Trong khi, con số này ở Philippines và Malaysia lần lượt là 43 triệu người và 20 triệu người.
So sánh tại châu Á, Việt Nam thuộc nhóm có mức tăng trưởng nhanh nhất về dân số kiếm được hơn 20 USD một ngày tính theo PPP không đổi. Nhóm này còn gồm các nước như Bangladesh, Ấn Độ, Philippines và Indonesia.
Nghiên cứu cho thấy, tầng lớp trung lưu cao ở Việt Nam (nhóm có thu nhập từ 50-110 USD mỗi ngày) dự kiến tăng trung bình 17% mỗi năm cho đến 2030. Nhờ tăng trưởng nhanh của dân số thu nhập trên 20 USD mỗi ngày lẫn tầng lớp trung lưu cao khiến mức tăng trưởng chi tiêu của thị trường Việt Nam là gần 8% mỗi năm trong thập kỷ hiện tại. Tỷ lệ này thuộc nhóm dẫn đầu châu Á, cùng với Bangladesh và Ấn Độ.
Nhà kinh tế học James Pomeroy cho rằng khi thu nhập tăng lên, mọi người sẽ có nhu cầu mua sắm các mặt hàng khác nhau. Trong đó, chi tiêu cho các nhu cầu thiết yếu như thực phẩm và quần áo (nhu yếu phẩm) giảm. Ngược lại, chi tiêu cho y tế, nghỉ ngơi và giải trí tăng lên.
Về dòng tiền tăng trưởng chi tiêu, HSBC cho biết, trên toàn châu Á, các ngành hàng như sản phẩm tài chính, giải trí, ôtô, thiết bị máy tính và dịch vụ gia dụng sẽ phát triển nhanh nhất. Chi tiêu cho giải trí và vận tải sẽ tăng nhanh nhất, ở mức hơn 7% mỗi năm trong thập kỷ hiện tại.
Ngược lại, chi tiêu cho thực phẩm dự kiến tăng trưởng thấp nhất, nhưng cũng vào khoảng 5% mỗi năm trong cùng giai đoạn. Trong vài thập kỷ tới, thế giới, đặc biệt là châu Á, sẽ trải qua những thay đổi lớn về nhân khẩu học.
Khu vực châu Á sẽ già hơn đáng kể, thịnh vượng hơn và quy mô hộ gia đình sẽ tiếp tục thu hẹp hơn. Những thay đổi này dẫn đến sự dịch chuyển lớn trong cách người dân chi tiêu trên toàn châu Á.
Trên thực tế, hoạt động thương mại và dịch vụ Việt Nam trong tháng 8 phục hồi ở tất cả các ngành và ghi nhận mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8/2022 ước đạt 481.200 tỷ đồng, tăng 0,6% so với tháng trước, tăng hơn 50,2% so với cùng kỳ năm trước, đạt quy mô và tốc độ tăng cao hơn so với cùng kỳ các năm trước khi xảy ra dịch Covid-19.
Tính chung 8 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 3.679.230 tỷ đồng, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm 2021. Theo nhóm chuyên gia Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI, doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 8 nhìn chung đang giữ đà tăng trưởng tốt nhờ nhu cầu tiêu dùng trong nước cải thiện.
Với sự hồi phục tốt, theo báo cáo của Bộ Công Thương, nhu cầu tăng ở cả trong nước và thế giới trong các dịp lễ, tết sắp đến là những yếu tố thuận lợi thúc đẩy phát triển sản xuất và thương mại trong những tháng tới. Một số doanh nghiệp cũng ghi nhận sức mua tăng trở lại, sẵn sàng tung sản phẩm mới, các chiến dịch khuyến mại và thuê thêm lao động.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp ổn định sản xuất, bảo đảm cân đối cung cầu các hàng hóa cơ bản, thiết yếu như: xăng dầu, điện, than… Theo dõi sát tình hình sản xuất phân bón trên thế giới để có giải pháp ứng phó phù hợp.
Đặc biệt, Việt Nam sẽ tập trung ưu tiên cao cho các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định cung cầu, giá cả. Theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong điều hành giá để kiểm soát giá cả hàng hóa đầu vào, tăng cường kiểm tra, kiểm soát.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm