Thị trường hàng hóa
Câu nói dân gian “Mùng một Tết cha, mùng hai Tết mẹ, mùng ba Tết thầy” đã trở nên quen thuộc đối với mỗi người dân Việt Nam mỗi khi Tết đến, Xuân về. Nó gợi nhắc đến truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “tôn sư trọng đạo” tốt đẹp của dân tộc ta.
Theo các nhà nghiên cứu, chữ “Tết” trong câu thành ngữ trên là sự rút gọn của động từ “chúc Tết”. Việc chúc Tết cha mẹ, thầy cô giáo đã trở thành đạo lý mà mỗi người phải hoàn thành trong những ngày đầu năm mới. Đồng thời, câu nói đó hàm chứa ý nghĩa phân chia ngày thăm Tết nhằm mong muốn sum vầy cùng cha mẹ, thể hiện đạo hiếu, uống nước nhớ nguồn.
Mùng 1 Tết cha là thăm chúc Tết bên nội, kể cả hương khói ông bà. Tương tự, mùng 2 Tết mẹ là thăm chúc Tết bên ngoại. Đến mùng 3 thì thăm thầy, thể hiện truyền thống "tôn sư trọng đạo" với ý nghĩa: “Bán tự vi sư, nhất tự vi sư” (Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy). Tôn vinh người thầy đã truyền chữ, dạy nghề... cho học trò để thành danh, thành tài, thành người.
Như vậy, “mùng 3 Tết thầy”, là ngày để người Việt bày tỏ sự biết ơn đến thầy cô, "ăn quả nhớ kẻ trồng cây". Câu nói đó cũng ngụ ý, người thầy được tôn kính ngang với cha mẹ, điều đặc biệt mà ít dân tộc có được, đã trở thành nét đẹp văn hóa của người Việt Nam.
Ngoài ra, theo một số nhà nghiên cứu, chữ “thầy” ở đây không chỉ nói về những người dạy học, dạy cho ta cái chữ, mà rộng hơn, còn là ân nhân của ta. Đó có thể là thầy thuốc chữa cho ta khỏi bệnh, người cứu giúp bà con, thầy dạy các bộ môn nghệ thuật như đàn, hát, vẽ, múa… Do đó, “Tết thầy”, hàm ý là mọi người thăm những người có ơn nghĩa với mình, thân thiết với mình, hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, công việc.
Hình ảnh và tầm quan trọng của người thầy được người xưa thể hiện rất rõ qua những câu ca dao như: “Cơm cha, áo mẹ, chữ thầy”, hay thành ngữ: “Muốn sang phải bắc cầu kiều, muốn con hay chữ phải yêu quý thầy”, “Không thầy đố mày làm nên”…
Có thể thấy rằng, vai trò của người thầy trong xã hội xưa luôn được đặt lên hàng đầu. Người thầy ngày xưa không chỉ gói gọn trong dạy chữ mà còn là người dạy nghề như nghề may, nghề mộc, nghề thuốc…
Người thầy không chỉ có kiến thức uyên thâm truyền thụ lại cho học trò mà còn phải có nhân cách cao đẹp, phẩm chất đạo đức chuẩn mực, cách sống không vụ lợi, không chuộng hư danh, trong sáng giản dị… Trong tâm thức cộng đồng, người thầy hiện lên như một hình mẫu về đạo đức lối sống, tri thức và uy tín cá nhân.
Đạo lý thầy trò ngày xưa rất được coi trọng. Thời xưa cho dù làm quan đến tể tướng thì ngày Tết người học trò đến thăm thầy cũng vẫn một lòng tôn sư trọng đạo như thế. Thường vào ngày mùng 3 Tết, người đứng đầu hàng môn sinh - những người cùng học, không phân biệt tuổi tác, chức vị, vị trí xã hội, thường tụ họp ở gia đình thầy giáo, chúc Tết thầy.
Vì thầy được coi trọng như cha, nên nhà thầy có việc hiếu hỉ, thì trò chăm lo như việc của chính nhà mình. Khi thầy quy tiên, học trò cũng để tang ba năm, có điều không phải tang phục, tang chế đầy đủ, mà để tang trong bụng gọi là tâm tang...
Thời nay, mặc dù “Tết thầy” đã có nhiều thay đổi, nhưng trong tâm thức mỗi người Việt, nhớ về người thầy trong những ngày đầu Xuân vẫn luôn là truyền thống không bao giờ mai một.
Và cứ đến dịp mùng 3 Tết Nguyên đán, các thế hệ học trò vẫn thường cố gắng tập trung cùng nhau đến chúc Tết thầy cô giáo của mình, thể hiện tinh thần tôn sư trọng đạo đẹp đẽ của dân tộc. Đây vừa là dịp thăm hỏi, tỏ lòng biết ơn thầy cô vừa là thời điểm để bạn bè có cơ hội gặp gỡ, giao lưu và chúc tụng nhau gặp nhiều điều may trong những ngày Tết đến, Xuân về.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm