Thị trường hàng hóa
Áp lực về tỷ giá
Kể từ đầu năm 2022 tới nay, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã 5 lần tăng lãi suất, khiến lãi suất ngân hàng của quốc gia này chạm “đỉnh” lịch sử. Điều này đồng nghĩa, giá trị của USD đã tăng kỷ lục, trong khi giá trị của các đồng tiền nội địa khác, trong đó có VND giảm rất sâu.
Cập nhật tới cuối giờ chiều 22/11, tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố là 23.674 đồng/USD, tăng 2,2% so với thời điểm đầu năm 2022. Trong khi đó, tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại lại có biến động khá mạnh, dao động trong khoảng 24.630 - 24.860 đồng/USD (mua vào - bán ra), mức tăng khoảng 9% so với hồi đầu năm.
Trước đó, trong buổi họp báo thường kỳ quý III/2022, ông Phạm Chí Quang - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước nhận định: Việc tỷ giá USD tăng cao đã ảnh hưởng trực tiếp tới ngành xuất nhập khẩu của Việt Nam. Đặc biệt, các ngành xuất khẩu được hưởng lợi, trong khi các ngành nhập khẩu lại đối mặt với rất nhiều khó khăn.
Đó là chưa kể, để giá trị của VND không trượt giá quá sâu so với USD, Ngân hàng Nhà nước buộc phải điều chỉnh lãi suất. Điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ tới tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước, khi chưa kịp hồi phục đã bị giáng thêm một “đòn chí mạng”.
TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế nhận định: Những tác động đến kinh tế Việt Nam khi đồng USD tăng giá mạnh trong thời gian vừa qua đã tác động đến mặt bằng lãi suất, nhất là mặt bằng ngoại tệ bằng USD đã và đang tăng lên. Từ thực tế dẫn đến tác động thứ hai là khiến cho nghĩa vụ trả nợ trong bối cảnh nợ công toàn cầu hiện nay đang ở mức tương đối cao khoảng 100% GDP.
“Đối với tỷ giá, giá trị đồng USD tăng mạnh thời gian vừa qua trong bối cảnh tăng lãi suất sẽ khiến đồng nội tệ của nhiều nước bị mất giá so với đồng USD. Tác động cuối cùng liên quan đến việc dịch chuyển dòng vốn đầu tư đó là sẽ có khá nhiều khoản đầu tư quay lại thị trường Mỹ và châu Âu - nơi mà lãi suất tăng lên và rủi ro chấp nhận được. Với Việt Nam, tác động cũng có nhưng ít hơn do được dự báo triển vọng phục hồi tương đối tích cực”, TS. Cấn Văn Lực phân tích.
Trên thực tế, việc giá trị của USD tăng vọt lên trong thời gian qua, đã tác động tới rất nhiều ngành nghề, ngay cả các ngành chủ lực của Việt Nam như thép, dệt may, nông - lâm - thủy sản cũng bị ảnh hưởng.
Ông Phạm Công Thảo - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam thừa nhận: Năm 2022, ngành thép đối mặt với rất nhiều áp lực do tỷ giá biến động khôn lường. Bởi lẽ, nguyên vật liệu để sản xuất thép thành phẩm đa phần là nhập khẩu. Do đó, khi tỷ giá USD tăng mạnh, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải trả nhiều tiền hơn để nhập nguyên liệu về sản xuất.
Ông Thảo cũng thừa nhận rằng, ngành thép cũng hưởng được một ít “lợi lộc” vì tỷ giá USD tăng, khi xuất khẩu. Dù vậy, cái lợi ở đây không đáng kể.
“Khi tỷ giá tăng sẽ thuận lợi trong việc xuất khẩu. Tuy nhiên, với ngành thép, thị trường chính của Việt Nam vẫn là thị trường trong nước, xuất khẩu chỉ chiếm một phần”, ông Thảo cho hay.
Đồng tình với nhận định này, ông Đỗ Anh Tuấn - đại diện một doanh nghiệp phân bón tại Hà Nam chia sẻ: Năm 2022, ngành phân bón được hưởng lợi rất lớn, khi giá xuất khẩu liên tục tăng. Kết hợp với yếu tố tỷ giá, đã hỗ trợ rất lớn cho doanh nghiệp thuộc nhóm này.
Tuy nhiên, cũng giống như ngành thép, nhiều nguyên vật liệu sản xuất phân bón phải nhập khẩu, và phải thanh toán bằng USD. Do đó, nếu xét về lợi nhuận, doanh nghiệp này có lãi, nhưng không quá đáng kể.
Việt Nam đã làm gì để ổn định tỷ giá?
Mặc dù USD đã tăng gần 9% so với hồi đầu năm, thế nhưng, mức tăng này vẫn thấp hơn so với bình quân của thế giới. Để giữ ổn định tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước đã có một loạt giải pháp, như tăng lãi suất điều hành sau 2 năm giảm mạnh, hoặc quyết định điều chỉnh biên độ tỷ giá giao ngay USD/VND từ mức 3% lên 5%.
TS. Lê Xuân Nghĩa - chuyên gia kinh tế thẳng thắn đánh giá: Việt Nam đã có rất nhiều kinh nghiệm trong việc đối phó với tỷ giá tăng, tuy nhiên các kinh nghiệm này trước đây đa phần là không phát huy được tác dụng. Tuy nhiên, trong lần ứng phó đợt này, Ngân hàng Nhà nước đã có những chính sách hợp lý để USD tăng không quá cao so với đồng nội tệ.
Bên cạnh các giải pháp về tăng lãi suất và điều chỉnh biên độ tỷ giá giao ngay, Ngân hàng Nhà nước còn bán ngoại tệ ở mức độ vừa phải để ổn định tỷ giá.
“Sự điều hành chính sách tỷ giá lần này được coi là thành công. Bởi, nếu so với Trung Quốc, đồng NDT đã mất giá tới 16%, EUR của Liên minh châu Âu mất giá tới 30%, Yên Nhật mất giá tới 40%, Bảng Anh cũng mất giá tới 35%,... Như vậy, rõ ràng, sự điều hành lần này là có hiệu quả”, TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết.
Dù vậy, ông Nghĩa cho rằng, trong lần điều chỉnh tỷ giá lần này, Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành có phần hơi mạnh tay, điều này có thể ảnh hưởng tới quá trình hồi phục của doanh nghiệp.
“Có một điều hơi lăn tăn một chút, đó là việc lãi suất được điều chỉnh tương đối cao. Có thể nói, lãi suất bình quân của Việt Nam đang cao nhất thế giới, và chưa có một quốc gia nào lãi suất thực cao gấp 3 lần lạm phát. Sẽ không có một doanh nghiệp nào chịu nổi, kể cả bất động sản cũng vậy”, TS. Lê Xuân Nghĩa nói.
Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định, quyết định tăng lãi suất của FED có thể không dừng lại ở con số 5, do đó, Ngân hàng Nhà nước có thể cân nhắc điều hành tỷ giá linh hoạt hơn nữa, bao gồm cho phép tỷ giá tham chiếu tăng nhanh hơn.
Theo đó, biện pháp này có thể được bổ sung bằng cách tiếp tục sử dụng lãi suất tham chiếu, đặc biệt nếu tỷ giá tăng nhanh dẫn đến tăng lạm phát và làm cho kỳ vọng lạm phát gia tăng.
Ngoài ra, do áp lực tỷ giá kéo dài, WB cũng tin rằng, biện pháp bán ngoại tệ trực tiếp nên được áp dụng sáng suốt để bảo tồn dự trữ ngoại hối. “Phối hợp chính sách tài khóa và tiền tệ lúc này trở nên hết sức quan trọng để đảm bảo giá cả ổn định trong bối cảnh lạm phát cơ bản trong nước tăng tốc”, báo cáo của WB nêu.
Cũng theo định chế này, với các biến động gần đây trong khu vực ngân hàng, cơ quan quản lý phải thận trọng và tăng cường hơn nữa những nỗ lực giám sát.
Theo SSI Research, yếu tố đáng lo ngại hơn là có thể xu hướng găm giữ USD đã tăng lên đáng kể trong thời gian qua trong bối cảnh VND không thể đứng ngoài xu hướng đồng nội tệ mất giá đang lan rộng khắp châu Á, nguyên nhân xuất phát từ các đợt tăng lãi suất liên tục của FED. Tuy nhiên, tới quý I/2023, khi đà tăng lãi suất của FED có thể sẽ chậm lại, hoặc dừng hẳn, trong khi dòng tiền vào Việt Nam thường có xu hướng tăng cao (NHNN thường mua được khá nhiều USD cho dự trữ ngoại hối vào quý I), thì khả năng tỷ giá USD/VND sẽ có thể quay về mức ổn định hơn. |
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm