Thị trường hàng hóa
Dù cùng thực hiện trong ngày rằm tháng 7 nhưng lễ Vu Lan và Xá tội vong nhân hoàn toàn khác nhau về ý nghĩa. Chính vì vậy, chuẩn bị mâm cỗ cúng lễ Vu Lan thế nào cho đúng là điều mà không phải ai cũng hiểu được tường tận.
Mâm cỗ cúng lễ Vu Lan cần chuẩn bị những gì?
Mâm cỗ lễ Vu Lan trong truyền thống thường bao gồm: cháo loãng, gạo, muối, cơm trắng, canh, nước lã, xôi, chè (các loại chè), khoai (khoai lang, khoai sọ) luộc, bỏng ngô, hoa quả, bánh kẹo, trầu cau, thuốc lá, hương hoa, quần áo.
Việc cúng Vu Lan báo hiếu tại tư gia nên được thực hiện theo các khóa lễ sau: Cúng Phật, cúng thần linh, cúng gia tiên, sau cùng là cúng thí thực chúng sinh.
Tiệc cúng lễ Vu Lan tại nhà thường được các gia đình tiến hành từ ngày 10 đến trước ngày rằm tháng 7 âm lịch.
Cúng Vu Lan là ngày con cái tưởng nhớ tới công lao sinh thành của cha mẹ. Tưởng nhớ không phải ở chỗ mâm cao, cỗ đầy, mà ở thái độ và lương tâm của mỗi con người.
Ngày lễ Vu Lan, mỗi gia đình nên lên chùa làm Lễ Vu Lan, cầu siêu tỏ lòng báo hiếu với ông bà tổ tiên. Sau đó, nên làm một mâm cơm thắp hương lên bàn thờ Phật và bàn thờ gia tiên.
Cúng Phật
Với những gia đình theo đạo Phật, mâm cỗ chay thanh tịnh trong ngày rằm tháng 7 để dâng lên Phật là không thể thiếu. Ngày nay, những món chay cũng phong phú và hấp dẫn không kém gì món mặn. Khi cúng, tốt nhất gia chủ nên đọc một khoá kinh Vu Lan để hiểu rõ về ngày này, hồi hướng công đức cho những người thân trong quá khứ được siêu sinh. Kinh Vu Lan khá dài nhưng không đến mức quá dài, lại thuộc thể thơ song thất lục bát nên đọc cũng nhanh.
Mâm cúng thần linh, gia tiên
Thường là mâm cúng mặn, nên chuẩn bị tươm tất, các món ăn đa dạng, thể hiện lòng thành kính, biết ơn. Mâm cúng mặn thường gồm các món như xôi, gà luộc, canh, cơm, cá kho, món xào, món nộm... kèm theo là trái cây, hoa cúng, nước, rượu, nhang, nến, vàng mã. Nhiều gia đình còn dâng cúng những vật dụng dành cho người cõi âm làm bằng giấy như quần áo, giày dép...
Cúng chúng sinh hay cúng cô hồn
Lễ cúng chúng sinh hay còn gọi là cúng bố thí cho các cô hồn thất cơ lỡ vận, không nơi nương tựa và chịu nhiều oan trái ở kiếp trước… Những vong hồn này rất đáng thương vì không được ai thờ cúng, hoặc chết đường chết chợ lang thang vạ vật không tìm được đường về với tổ tiên.
Trên mâm cúng chúng sinh có: Quần áo chúng sinh với nhiều màu sắc (xanh lam, xanh lá mạ, vàng, hồng…), các loại bỏng ngô, chè lam, kẹo vừng, kẹo dồi, bánh quế, cháo, tiền vàng, cốc nước lã hoặc rượu (có thể thêm nước ngọt, bia nếu có điều kiện), cốc gạo trộn lẫn với muối (cốc này sẽ được rắc ra vỉa hè hoặc sân nhà về bốn phương tám hướng sau khi cúng xong), ngô, khoai lang luộc, cháo hoa… và những lễ vật khác dành cho những cô hồn, ma đói không nơi nương tựa.
Ngoài việc chuẩn bị những mâm cỗ chỉn chu, mỗi gia đình nên chú trọng lựa chọn hoa cúng sao cho phù hợp. Các loại hoa được ưu tiên lựa chọn trong ngày này là hoa sen, hoa ngọc lan, hoa cúc vàng, hoa mẫu đơn, hoa hồng. Loại hoa không nên dâng lên bàn thờ cúng rằm tháng 7 là hoa giả, hoa dâm bụt, hoa đại (hoa sứ), hoa nhài và hoa phong lan.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm