Thị trường hàng hóa
Cứ mỗi thứ 5 hàng tuần, ông Lê Cao Nguyên (66 tuổi) lại từ Vũng Tàu, đến TP. HCM từ sớm để kịp tham gia lớp học vẽ trị liệu tại Khoa Phục hồi chức năng - Bệnh viện An Bình (quận 5, TP. HCM) vào sáng thứ 6.
Sau khi bị đột quỵ vào năm 2008, ông Nguyên bị rối loạn ngôn ngữ, trở nên khép kín, tự ti, trầm cảm, sức khỏe bị suy giảm. Dù đã cố gắng chữa trị, ông vẫn gặp khó khăn trong việc nói chuyện, đi đứng hàng ngày.
Tham gia lớp học vẽ từ những ngày đầu tiên cho đến hiện tại, giờ đây ông đã có thể quên đi những cơn đau bệnh tật, đầu óc minh mẫn, sống tích cực hơn trước. Tuy không thể nói lưu loát nhưng ông Nguyên cũng đã có thể phát âm nhiều từ đơn giản, trò chuyện cùng với các bệnh nhân, bác sĩ.
Sở thích của ông Nguyên chính là vẽ, đặc biệt là vẽ ảnh gia đình vì ông cho rằng gia đình chính là nguồn cội, là một trong những động lực để ông cố gắng hàng ngày.
Không chỉ riêng ông Nguyên, ông Hồ Đắc Thắng (59 tuổi, ngụ TP. Thủ Đức) cũng bị tai biến, liệt nửa người khi còn là giáo viên cấp 3. Vốn yêu thích hội họa, ông Thắng như “cá gặp nước” khi được tham gia lớp vẽ ở bệnh viện.
“Tôi yêu thích vẽ từ lâu rồi. Được học vẽ như này tôi thấy bản thân khi còn trẻ. Thật ra học vẽ rất tốt, giúp cho những ai bị tai biến, tổn thương não như tôi được hồi phục trở lại”, ông Nguyên nói.
Lớp học vẽ đặc biệt này được thành lập từ năm 2013, dù mới hoạt động lại hồi tháng 9/2022 do 2 năm ảnh hưởng của dịch Covid-19, vẫn có rất đông bệnh nhân đến đây để tham gia với mong muốn phục hồi sau căn bệnh tai biến, tổn thương não.
Được biết, lớp học diễn ra vào mỗi thứ 6 hàng tuần, người tham gia sẽ được các bác sĩ, y tá hỗ trợ trong bất kỳ quá trình, tình huống vận động nào. Họ còn được cung cấp đủ màu nước, cọ, giấy vẽ, tranh mẫu,… hoàn toàn miễn phí.
Ngoài ra, bệnh viện cũng mời một số tình nguyện viên là sinh viên ngành mỹ thuật của trường đại học Sài Gòn và đại học Kiến trúc TP. HCM đến hướng dẫn bệnh nhân. Thời gian đầu, bệnh nhân sẽ thực hiện các nét vẽ, tô màu cơ bản rồi sau đó mới thực hiện các bức tranh chi tiết bằng màu nước.
Tùy vào tình trạng sức khỏe của các bệnh nhân, các bức tranh sẽ được hoàn thành từ 2-3 tiếng hoặc vài buổi học. Sau đó, tranh do bệnh nhân vẽ sẽ được đem treo ở hành lang lối vào khoa Phục hồi.
Theo tiến sĩ Lê Khánh Điền, Trưởng Khoa Phục hồi chức năng, năm 2012, trong một lần sang Úc học tập, ông đã có cơ hội tiếp cận với mô hình hội họa giao tiếp tại các bệnh viện lớn. Mô hình này đã được nghiên cứu chuyên sâu từ các chuyên gia.
“Thực tế, việc học vẽ sẽ giúp giúp kích hoạt não, giúp bệnh nhân sau tai biến, chấn thương não, trẻ chậm phát triển,… có thể cải thiện khả năng vận động, giao tiếp, ngôn ngữ, sống lạc quan hơn trong cuộc sống”, tiến sĩ Lê Khánh Điền nói.
Trung bình, khoa Phục hồi chức năng tiếp nhận hơn 200 bệnh nhân đến khám, tập vật lí trị liệu, phục hồi chức năng, trong đó có khoảng 20 học viên đăng ký tham gia lớp học vẽ do bệnh viện tổ chức. Đối tượng tham gia lớp vẽ là các bệnh nhân bị đột quỵ, tai biến, chấn thương sọ não, sa sút trí tuệ, dị tật bẩm sinh,…
Theo ông Hồ Hải Trường Giang – BS CK II, Giám đốc bệnh viện, khi bệnh nhân bị tai biến, đột quỵ,… não phải hoặc não trái sẽ bị tổn thương, dẫn đến yếu liệt một bên hoặc rối loạn ngôn ngữ. Hoạt động vẽ nghiêng về khả năng sáng tạo, tức là được não phải chi phối. Từ đó, qua hoạt động hội họa giao tiếp, sẽ kích thích não hoạt động, não trái và não phải tương trợ lẫn nhau, giúp bệnh nhân mau hồi phục.
“Lớp vẽ có một số học viên là người mới, một số học viên đã tham gia từ những ngày đầu đến hiện tại. Tại đây, hầu như các bệnh nhân đều trải qua những giai đoạn khó khăn do bệnh tật, nên có thể nói họ rất đồng cảm, dễ dàng chia sẻ, trò chuyện với nhau. Khi tự hoàn thành một bức tranh, bệnh nhân sẽ thấy hạnh phúc hơn vì họ có thể tạo ra giá trị cho cuộc sống, từ đó họ sẽ tự tin và phát triển khả năng giao tiếp”, ông nói.
Sắp tới, bệnh viện sẽ tổ chức buổi triển lãm những tác phẩm này, qua đó mong muốn nhân rộng mô hình hội họa giao tiếp ở nhiều cơ sở y tế tại thành phố và các địa phương khác.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm