Thị trường hàng hóa
Về với làng tranh Đông Hồ, khi hỏi thăm về các gia đình còn gắn bó với nghề làm tranh, chúng tôi đều nhận được sự nhiệt thành chỉ lối và giới thiệu. Điều thú vị nhất là tất thảy những người còn gắn bó với nghề, đều được người dân trân trọng gọi với hai tiếng nghệ nhân, mà không dùng những danh xưng thông thường khác. Ở trong chính cách gọi đó đã thể hiện được sự tự hào, niềm trân trọng của cộng đồng đối với người làm nghề.
Sau hàng trăm năm hình thành và phát triển, trước vô vàn biến thiên của lịch sử, sức sống lâu bền của tranh Đông Hồ bắt đầu từ những điều bình dị và cũng cực kỳ tinh tế như thế!
Người ta thường bảo, tranh Đông Hồ là tranh Tết. Sau mỗi một năm người chơi tranh lại thay thế bức tranh cũ bằng tranh mới. Bởi lẽ, dòng tranh này "tả - kể" về lối sống, về quan niệm nhân sinh hay phong tục tập quán cũng như đời sống lao động. Trong tranh còn có cả tình cảm yêu mến hoặc sự phê phán hài hước nhẹ nhàng, thông qua các đề tài: Đại cát, Vinh hoa, Phú quý, Nghênh xuân, Nhân nghĩa. Thông qua cả hình tượng những con vật thần thoại như Long - Ly – Quy - Phượng hay quen thuộc, gần gũi như gà, lợn, mèo, chuột... Ý nghĩa sâu xa mà những nghệ nhân Đông Hồ gửi gắm vào mỗi tác phẩm, cũng chính là khát vọng về năm mới của người chơi tranh.
Cứ bóc tách từng lớp nang văn hoá hiện trên mỗi bức tranh Đông Hồ cũng đủ cho chúng ta thấy vốn liếng văn hóa Việt thuần khiết và trong sáng, đa dạng và vô cùng độc đáo.
Quãng thời gian từ cuối thế kỷ XIX đến năm 1944, là thời kì hưng thịnh nhất của làng. Lúc ấy, tất cả 17 dòng họ đều gắn bó với nghề làm tranh. Theo quang gánh của các bà, các mẹ, tranh Đông Hồ sẽ ra chợ vào các phiên 6, 11, 16, 21, 26 tháng Chạp, trong sự mong chờ và háo hức của cả người mua, kẻ bán.
Nghệ nhân Nguyễn Đăng Tâm cho biết: "Tranh nhất định phải in trên giấy dó bởi giấy dó bền, dai, mềm mại, lại giữ màu mực/son lâu dài. Có giấy dó rồi, nghệ nhân Đông Hồ phết hồ loãng trộn bột điệp lên, bằng những cây chổi lá thông rồi phơi cho khô. Hồ điệp trắng ngà, lấp lánh ánh xà cừ theo vết chổi thông, vừa đẹp vừa sang.
Tranh Đông Hồ thường có 4 gam màu chính. Màu đen làm từ than quả xoan hoặc than lá tre. Màu xanh lục tạo tác từ gỉ đồng hoặc lá chàm mua từ Cao Lạng. Màu vàng chiết suất từ hoa hòe, hoa dành dành. Và nước vỏ vang thì làm nên màu đỏ".
Rõ ràng tranh Đông Hồ không phải là tranh vẽ, mà được in từ những mộc bản có sẵn. Nhưng chớ vội lầm tưởng việc in tranh là đơn giản! Để màu sắc tươi sáng không bị lấm lem thì một bức tranh chia làm bao nhiêu phần bố cục, thì mất bằng ấy lần in.
Lối in thủ công giản dị mà tinh xảo, trên một mặt phẳng theo lối "đồng hiện", bất chấp luật xa/gần trong hội họa phương Tây tạo nên một dòng tranh đặc sắc, thuần Việt, quý báu.
Theo nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, trong 12 con giáp của Việt Nam, có bảy con vật được thuần dưỡng từ lâu đời và đã trở thành vật nuôi trong nhà (trâu, mèo, ngựa, dê, gà, chó, lợn). Con mèo tuy không phải là vật nuôi mang lợi ích kinh tế, nhưng lại là người bạn thân thiết chuyên bắt chuột bảo vệ thành quả lao động của con người nên vẫn được con người yêu quý.
Bên cạnh đó, mèo cũng là một trong số hơn 200 đề tài khác nhau được thể hiện qua tranh Đông Hồ. Các bức tranh này, chủ yếu sử dụng mèo như một hình ảnh ẩn dụ để gửi gắm quan niệm nhân sinh của người xưa như: Em bé ôm mèo, Đám cưới chuột…
Em bé ôm mèo thuộc dòng tranh chúc tụng trong tranh dân gian Đông Hồ, cùng chủ đề tranh chúc tụng với các bức tranh: Em bé ôm phật thủ, Tranh nhân nghĩa (Em bé ôm cóc), Tranh lễ trí (Em bé ôm rùa), Tranh phú quý (Em bé ôm vịt), Em bé ôm tôm...
Tranh thể hiện tính dí dỏm, khung cảnh ấm cúng của Tết Nguyên Đán tràn đầy hạnh phúc, may mắn và thịnh vượng. Các con vật gần gũi với làng quê Việt Nam như trâu, gà trống, vịt, mèo... là biểu trưng cho hạnh phúc, thịnh vượng, sự chăm chỉ cần cù, thông minh.
Bức tranh Đám cưới chuột của làng tranh Đông Hồ thì có phần nổi tiếng hơn! Người ta bắt gặp hình ảnh tiến sĩ chuột vinh quy cưới vợ, nhưng vẫn phải biếu quà cho chú mèo đang ngồi quặp đuôi vẻ hiền lành, đưa tay ra nhận chút quà mọn trong tiếng trống, tiếng kèn. Đây cũng là một lối ứng xử hay của xã hội tiểu nông.
Thế nhưng hình ảnh con mèo không chỉ xuất hiện ở trong tranh Tết Đông Hồ, mà người nghệ sĩ dân gian Việt Nam còn cho nó xuất hiện trên những bức chạm khắc ở những nơi chốn tôn nghiêm như đình làng Bình Lục- Quảng Ninh, cảnh mẹ con nhà mèo quây quần, chạm nổi ở bia chùa Linh Quang- Hải Phòng, đều đã phản ánh một nét tư duy của người xưa về con vật gần gũi này.
Nhiều năm trở lại đây, không chỉ dừng lại ở dòng tranh in trên giấy dó, người Đông Hồ còn sáng tạo thêm cả tranh khắc trên gỗ mà ở đó các chi tiết đều được mô phỏng lại theo các bức tranh in nhất là vẫn giữ được hồn cốt của tranh dân gian Đông Hồ. Điều này không chỉ giúp tranh Đông Hồ thêm phong phú về cách thể hiện mà còn lan tỏa giá trị văn hóa của tranh Đông Hồ lâu bền hơn với thời gian.
Nghệ nhân Nguyễn Đăng Tâm, Nguyễn Đăng Chế vững tin vào một điều rằng, nét văn hóa của cha ông sẽ được gìn giữ, không bị mai một. Và khi các giá trị văn hóa truyền thống được quan tâm và phát huy, thì tranh Đông Hồ đang dần quay trở lại thời kỳ hưng thịnh, cũng tìm thấy được vị thế vốn có của mình.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm