Thị trường hàng hóa
Trước đây, cây na dai được vài hộ dân ở xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng (Lạng Sơn) mang từ Hoài Đức (Hà Nội) về trồng thử giữa cheo leo vách núi đá Cai Kinh. Khi đó, vì thiếu đất canh tác, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, người dân phải thay đổi quan niệm canh tác bằng cách vác đất lên núi đá để trồng thử nghiệm cây na. Sau nhiều năm được vun vén, cây na bắt đầu cho quả ngọt, diện tích trồng cũng ngày càng mở rộng.
Đến nay, nhờ phát triển cây na mà nhiều hộ dân đã có thu nhập khá, từ vài chục đến vài trăm triệu đồng/năm, nhiều thôn bản từ nghèo khó nay đã có 60-70% hộ giàu.
Theo ông Vi Nông Trường - Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng (Lạng Sơn), chương trình “Hội chợ na Chi Lăng và các sản phẩm nông sản năm 2022” giúp quảng bá, kết nối, tiêu thụ sản phẩm na Chi Lăng và các nông sản đặc sản, tạo điều kiện phát triển nghề nông và nâng cao chất lượng cuộc sống của bà con nông dân, góp phần phục hồi kinh tế của huyện Chi Lăng nói riêng và của tỉnh Lạng Sơn nói chung.
“Trong thời gian tới, huyện Chi Lăng cũng chỉ đạo tiếp tục giữ ổn định diện tích sản xuất các vùng nông sản chủ lực; tập trung nguồn lực đầu tư vào các hoạt động làm tăng giá trị sản phẩm, tạo mọi điều kiện, khuyến khích doanh nghiệp vào đầu tư, liên kết và tiêu thụ sản phẩm hình thành chuỗi giá trị” – lãnh đạo huyện Chi Lăng cho biết.
Vùng sản xuất na Chi Lăng ở tỉnh Lạng Sơn chủ yếu tập trung ở các xã: Chi Lăng, Mai Sao, Thượng Cường, Vạn Linh, Y Tịch, Hòa Bình, thị trấn Chi Lăng và thị trấn Đồng Mỏ; diện tích ước đạt trên 2.300 ha, sản lượng ước đạt 20.000 tấn (bao gồm cả na rải vụ), doanh thu ước đạt khoảng 700 tỷ đồng.
Hiện nay, diện tích na sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP đạt 35 ha, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 698,92 ha. Đến hết năm 2022, có 3 sản phẩm na Chi Lăng của thị trấn Đồng Mỏ và xã Chi Lăng, xã Y Tịch đạt chứng nhận sản phẩm OCOP bốn sao; 1 sản phẩm na Chi Lăng của thị trấn Chi Lăng đạt chứng nhận sản phẩm OCOP ba sao.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm