Thị trường hàng hóa
Chạy hết công suất
Đến Cự Đà thời gian này, dọc đường làng, sân vận động, cánh đồng... đâu đâu cũng có người phơi miến, xe máy chở miến chạy rầm rầm quanh làng.
Thương hiệu miến dong làng Cự Đà từ lâu đã trở thành đặc sản nổi tiếng khắp cả nước. Mặc dù sản xuất quanh năm nhưng nguồn thu lớn nhất của làng nghề chính là vào dịp Tết Nguyên đán.
“Ngày Tết, khách hàng đặt nhiều hơn, phải làm liền tay mà không đủ sản lượng để bán. Gia đình tôi phải thuê thêm nhân công để kịp đáp ứng nhu cầu của khách. Trừ mọi chi phí cũng được 1-2 triệu đồng/ngày”, ông Nguyễn Văn Hưng - hộ sản xuất miến tại Cự Đà cho biết.
Tương tự, tại hộ sản xuất của anh Phạm Mạnh Trường (58 tuổi, thôn Cự Đà), hàng sản xuất ra đến đâu đều được thương lái thu mua hết.
“Ngày thường, nhà tôi làm từ 3 - 4 tạ/ngày. Gần Tết, đơn hàng nhiều, tôi tăng sản lượng lên gấp đôi. Để kịp hàng giao cho khách, tôi thuê thêm 7 – 8 nhân công. Làm ngày, làm đêm, hàng ra đến đâu, hết đến đó”, anh Tường chia sẻ.
Cũng theo anh Phạm Mạnh Trường, năm nay thời tiết rét muộn, nắng nhiều hơn mưa nên việc phơi miến gặp nhiều thuận lợi. Nhiều hộ cũng đã sản xuất được lượng hàng dự trữ lớn để cung ứng cho thị trường phục vụ Tết.
Hiện, thu nhập bình quân của các hộ làm miến đạt 200 - 250 triệu đồng/năm. Không những thế, mỗi cơ sở còn tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động với giá tiền công từ 120.000 - 250.000 đồng/người/ngày, tùy từng công đoạn.
Hương vị Tết
Miến Cự Đà nổi tiếng bởi độ giòn dai, thơm ngon và vì màu vàng óng ả. Theo chia sẻ của những người thợ, màu vàng là do bột nghệ, tùy theo nhu cầu của khách mua hàng, họ sẽ sản xuất miến màu vàng hay giữ màu hơi xám và trong suốt như nguyên bản.
Để làm được một mẻ miến, người làm nghề phải thực hiện ít nhất 3 khâu, từ thau rửa bột, ngâm bột rồi mới đến tráng và phơi bánh.
Người Cự Đà chọn loại củ dong riềng ngon, đem xay thành bột. Bột dong sau đó được ngâm với nước và lọc để chọn lấy phần tinh bột, rồi được đánh lên. Một phần bột được ngâm với nước sôi gọi là bột chín. Bột chín mang hòa với bột đã lọc, với tỷ lệ 1/10 tạo nên hỗn hợp. Tiếp đó, bột được tráng thành bánh, hấp chín và đem phơi nắng. Sau khi khô, bánh được đưa qua máy cán thành từng sợi miến nhỏ, dài và tiếp tục đem phơi cho thật khô.
Trước đây miến làm thủ công, tráng bằng tay nồi rộng miệng hay là cái chảo, ngày chỉ được 1-2 tạ miến. Sau này người dân chuyển dần sang làm bằng máy.
Miến dong Cự Đà hiện nay không chỉ có mặt ở thị trường địa phương mà còn được các tư thương chuyển đi khắp các vùng trong cả nước và trở thành sản phẩm nông nghiệp mang thương hiệu đặc trưng của người dân Cự Đà.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm