Thị trường hàng hóa
Pandesal là món bánh cuộn mềm và hơi ngọt, thường được người Philippines chấm với cà phê hoặc trộn với pho mát. Loại bánh này còn được gọi là “bánh mì cho người nghèo” vì có giá thành tương đối rẻ.
Tại Matimyas Bakery, một tiệm bánh ở ngoại ô Manila, một chiếc bánh pandesal từng nặng 35 gram. Nhưng khi chi phí nguyên liệu tăng cao trong những tháng gần đây, chủ tiệm Jam Mauleon đã giảm dần kích thước của chiếc bánh xuống còn khoảng 25 gram để không phải tăng giá lên 2,5 peso (khoảng 1.000 VNĐ). Cô Mauleon sợ rằng chỉ cần tăng giá một chút thôi, các khách hàng trong khu phố sẽ đến mua hàng ở một tiệm bánh khác cách đó 5 dãy nhà. "Chúng tôi phải giảm khẩu phần bánh để tồn tại", Mauleon nói.
Khi Philippines dỡ bỏ các hạn chế phòng COVID-19 và học sinh bắt đầu quay trở lại trường học, Mauleon đã hy vọng khách sẽ đông hơn và việc làm ăn sẽ khấm khá hơn. Nhưng kể từ tháng 12, giá lúa mì và nhiên liệu đã tăng vọt, kéo theo đó là giá bột mì tăng hơn 30%, giá đường tăng 25% và giá muối tăng 40%. Tiệm bánh giờ chỉ tồn tại qua ngày và không kiếm đủ tiền để mua nguyên liệu với số lượng lớn.
Đối với bà mẹ 5 con Laarni Guarino, giá cả tăng cao đồng nghĩa với việc gia đình cô sẽ được ăn ít bánh pandesal hơn cho bữa sáng. Guarino, 35 tuổi, cho biết: "Chúng tôi phải thắt chặt chi tiêu. Từ 5 chiếc cho mỗi đứa, giờ các con tôi phải chia nhau 3 đến 4 cái. Giá 50 centavo (một loại tiền xu tại Philippines) cho một chiếc bánh không phải số tiền nhỏ đối với những người nghèo như chúng tôi”.
Lạm phát tại Philippines đã đạt 6,1% trong tháng 6, mức cao nhất trong gần 4 năm. Con số này cao hơn so với mức 5,4% của tháng 5 và tăng 3,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng thống Ferdinand “Bongbong” Marcos cho biết, phần lớn lạm phát tại Philippines là nhập khẩu lạm phát do giá nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài tăng cao.
Nhà kinh tế Joey Salceda cho biết bánh mì sẽ là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi "lạm phát thu nhỏ" – thuật ngữ chỉ việc các nhà sản xuất giảm kích thước hoặc số lượng của một sản phẩm nhưng giá vẫn giữ nguyên. Lucito Chavez, chủ tịch một hiệp hội đại diện cho các tiệm bánh mì địa phương, cho biết hàng nghìn thợ làm bánh đang quay cuồng vì chi phí nguyên liệu tăng cao. “Tất cả chúng tôi đang đấu tranh, không phải để kiếm lợi nhuận, mà là để tồn tại”, ông Chavez nói.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm