Thị trường hàng hóa
Theo Dow Jones, chỉ số giá tiêu dùng của tháng 6 dự kiến sẽ còn “nóng” hơn số liệu báo cáo của tháng 5. Các chuyên gia kinh tế ước tính trên cơ sở hàng năm, chỉ số giá tiêu dùng sẽ tăng lên 8,8%, tăng từ mức 8,6% của tháng 5, mức cao nhất trong vòng 40 năm trở lại đây. So với tháng 5, chỉ số lạm phát này có thể tăng thêm 1,1%, đánh dấu tháng thứ 3 lạm phát tăng ít nhất 1% so với tháng trước đó.
Nếu loại trừ giá năng lượng và thực phẩm, CPI lõi của tháng 6 dự kiến sẽ tăng 0,5% so với mức 0,6% vào tháng 5. Đây sẽ là mức tăng so với con số 5,7% cùng kỳ năm trước và giảm so với mức 6% trong tháng 5. Cùng lúc đó, giá hàng hoá không có dấu hiệu hạ nhiệt. Số liệu từ Numerator cho thấy lạm phát giá hàng hóa đã đạt mức cao kỷ lục trên 15% trong tháng 6. Các nhà kinh tế cho rằng tháng 6 có thể là tháng căng thẳng nhất đối với lạm phát tiêu dùng.
Dù vậy, chỉ số CPI được dự báo vẫn còn ở mức cao nhưng sẽ giảm bớt trong dữ liệu tháng 7. Nguyên nhân của điều này là do tồn kho bán lẻ tăng cao khiến các chuỗi cửa hàng phải hạ giá thành sản phẩm. Giá ô tô đã qua sử dụng cũng giảm xuống trong nửa cuối tháng 6. Theo Hiệp hội ô tô Mỹ (AAA), kể từ đầu tháng 7, giá dầu West Texas Intermediate (WTI) đã giảm 9%, giá xăng RBOB giảm 7,6%. Vào ngày 14/6, giá xăng đạt mức kỷ lục 5,016 USD/gallon và hiện đã giảm xuống còn 4,65 USD/gallon.
Michael Gapen, Trưởng bộ phận Kinh tế Hoa Kỳ tại Bank of America, cho biết Liên minh châu Âu công bố các đề xuất đầy tham vọng về cấm vận đối với dầu nhập khẩu từ Nga vào cuối năm 2022. Lệnh cấm vận của EU nhằm giáng đòn mạnh vào nền kinh tế, buộc Nga từ bỏ chiến dịch quân sự ở Ukraine. Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng thiệt hại kinh tế đối với Nga phụ thuộc vào việc lệnh cấm này được thực hiện trong thời gian bao lâu và phản ứng của các nước OPEC như thế nào.
Tổ chức OPEC do Ả rập Xê út dẫn đầu trước đó tuyên bố sẽ không tăng sản lượng để bù đắp cho chỗ trống trong nguồn cung từ Nga. Trong khi đó, Nga hiện cung cấp cho EU khoảng 25% lượng tiêu thụ dầu mỏ và 40% lượng tiêu thụ khí đốt. Căng thẳng địa chính trị khiến chuỗi cung ứng đứt gãy, giá hàng hóa tăng vọt sau đại dịch.
Ở chiều ngược lại, Tom Simons, nhà kinh tế thị trường tiền tệ tại Jefferies, cho biết ông nhận thấy một số dấu hiệu giảm về lạm phát trong thời gian tới. Một trong số yếu tố thúc lạm phát sẽ giảm trong những tháng gần đây là giá vé máy bay. Con số này được dự báo sẽ không tăng nhiều trong tháng 6 như tháng 4 và tháng 5.
Giá một số mặt hàng cốt lõi khác bao gồm đồ nội thất và thiết bị điện tử cũng đang giảm. Simons cho rằng các nhà bán lẻ đang tính toán số lượng hàng tồn kho dẫn đến việc một số sản phẩm giảm giá hoặc không tăng nữa. Đồng thời, ông dự báo giá năng lượng sẽ đóng góp khoảng 0,7% và giá thực phẩm là 1% vào CPI tháng 6.
Đối với Cục Dự trữ Liên bang (Fed), các nhà kinh tế cho rằng CPI tháng 6 được công bố sẽ củng cố quan điểm rằng: Ngân hàng Trung ương sẽ tăng thêm 75 điểm cơ bản nữa so với mức tăng 3/4 của tháng 6. Simons cho rằng có những dấu hiệu chi phí vận tải đang giảm nhưng khó khăn chuỗi cung ứng chưa được giải quyết, khiến lạm phát “leo thang" gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Chuyên gia này cũng nhận định giới quan chức Fed cần theo dõi chỉ số CPI kết hợp với dữ liệu doanh số bán lẻ được công bố vào cuối tháng này. Ông kỳ vọng doanh số bán lẻ trong tháng 6 sẽ tăng 0,9%, cao hơn mức 0,3% trong tháng 5. Một phần lớn trong doanh thu bán lẻ hàng đầu được kỳ vọng là doanh thu bán xăng.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm