Thị trường hàng hóa
Các trường loay hoay tìm cách xử lý vấn đề trên.
Trước thềm năm học mới vào tháng 3, Bộ Giáo dục Hàn Quốc tuyên bố dỡ bỏ các vách ngăn chống giọt bắn lắp đặt trong lớp học và căng tin tại các trường học. Học sinh không phải đo thân nhiệt khi đến trường hoặc đeo khẩu trang trong lớp học.
Việc nới lỏng các quy định phòng chống Covid-19 đặt ra bài toán cho các cơ sở giáo dục phổ thông về cách xử lý những vách ngăn bằng nhựa. Các trường phải tự quyết định cất giữ hay vứt bỏ chúng.
Theo thống kê vào tháng 9/2021 của Bộ Giáo dục Hàn Quốc, tổng cộng 99,4% trường học trên cả nước lắp vách ngăn trong căng tin với số lượng khoảng 4,7 triệu tấm. Cộng với số lượng vách ngăn được bố trí trong lớp học, con số có thể tăng lên hơn 10 triệu tấm.
Các chuyên gia ước tính, tổng diện tích vách ngăn bị vứt bỏ khỏi các nhà trường lớn gấp đôi diện tích đảo Yeouido, phía Tây Seoul. Đảo Yeouido có diện tích là 2,9 km2. Tuy nhiên, Bộ Giáo dục cho biết lượng chất thải chính xác từ những vách ngăn là khó tính toán vì kích thước và hình dạng của các tấm là khác nhau.
Về phía trường học, nhiều ý kiến cho rằng, họ không biết phải làm gì với lượng rác thải nhựa này. Một giáo viên trung học tại tỉnh Gangwon cho biết: “Chúng tôi đã gỡ bỏ tất cả vách ngăn từ cuối tháng 2 để chuẩn bị cho năm học mới. Văn phòng Giáo dục địa phương gợi ý vứt bỏ chúng nhưng chúng tôi không biết làm thế nào để xử lý lượng rác thải này ổn thỏa. Để tìm công ty xử lý rác thải nhựa thường mất rất nhiều thời gian”.
Một quan chức của Bộ Giáo dục Hàn Quốc cho rằng, các trường có thể tháo rời và cất giữ vách ngăn để tái sử dụng trong trường hợp đại dịch bùng phát trở lại. Tuy nhiên, trường học phản đối lý do vệ sinh và không gian dự trữ. Ngoài ra, việc tái chế vách ngăn cũng tương đối khó khăn.
Hầu hết vách ngăn chống giọt bắn trong nhà trường được làm bằng các vật liệu nhựa khác nhau như polycarbonate, acrylic... Nhiều vách ngăn được gắn chặt vào bàn học bằng keo dán nên việc xử lý chúng tốn rất nhiều thời gian.
Nhân viên một công ty tái chế rác thải cho biết: “Chất kết dính chắc đến mức chúng tôi phải tháo mặt bàn ra để tách miếng nhựa. Tái chế những sản phẩm này đòi hỏi kỹ thuật và thời gian”.
Trước đó, năm 2021, Bộ Môi trường Hàn Quốc đã tái chế 30.000 trong số 500.000 tấm vách ngăn được sử dụng trong Kỳ thi Đánh giá năng lực đại học (CSAT) sau khi phân phát số còn lại cho các cơ quan nhà nước.
Tuy nhiên, liên quan đến việc xử lý rác thải nhựa trong trường học sau Covid-19, đại diện Bộ Môi trường cho biết “chưa nhận được đề xuất từ Bộ Giáo dục”.
Vách ngăn trong trường học chỉ là bề nổi của lượng chất thải do đại dịch Covid-19 gây ra. Theo Bộ Môi trường Hàn Quốc, lượng rác thải nhựa năm 2021 đã tăng 17,7% so với năm 2019.
Ông Hong Su-yeol, Giám đốc tư vấn Tái chế Tài nguyên Hàn Quốc, cho rằng: “Các cơ quan liên quan như Bộ Giáo dục nên thu gom và xử lý rác thải nhựa sau Covid-19. Những vách ngăn cần được tái chế một cách có hệ thống, thay vì xử lý bừa bãi”. |
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm