Thị trường hàng hóa
Tuy nhiên, thế giới vẫn đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lương thực tồi tệ nhất trong lịch sử hiện đại, khi cuộc chiến Nga - Ukraine làm rung chuyển các hệ thống nông nghiệp toàn cầu vốn đang phải vật lộn với những tác động của thời tiết khắc nghiệt và đại dịch COVID-19.
Trong những tháng gần đây, các điều kiện thị trường có thể đã được cải thiện đáng kể, nhưng các chuyên gia cho rằng tình hình khủng hoảng lương thực sẽ khó có thể biến mất nhanh chóng.
Kết quả là, những cộng đồng dễ bị tổn thương đang phải vật lộn với nạn đói sẽ phải gánh chịu nhiều đau đớn hơn. Nạn đói, tỷ lệ người chết ở các quốc gia như Somalia - nơi đang phải đối mặt với những gì Liên Hợp Quốc mô tả là tình trạng khẩn cấp lương thực “thảm khốc” sẽ gia tăng nhanh chóng.
Cary Fowler, đặc phái viên của Hoa Kỳ về an ninh lương thực toàn cầu, chia sẻ với CNN: “Tất cả các nguyên nhân chính của cuộc khủng hoảng lương thực vẫn nằm ở chúng ta - xung đột Nga - Ukraine, đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, giá nhiên liệu cao. Tôi nghĩ chúng ta phải chuẩn bị cho năm 2023 đầy khó khăn”.
Vấn đề này nằm trong chương trình nghị sự khi các nhà lãnh đạo chính phủ và doanh nghiệp hướng tới Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ trong tuần này.
Chủ đề chưa bao giờ nguội này sẽ thu hút sự chú ý khi những người tham dự thảo luận về các chủ đề từ chi phí năng lượng và duy trì an ninh toàn cầu đến trí tuệ nhân tạo và thay đổi nhân khẩu học.
Khi giá lương thực tăng cao đồng nghĩa với việc các nguồn tài trợ không thể đi xa, hơn nữa, cuộc chiến Nga - Ukraine tiếp tục tạo ra nhiều biến động. Cần phải hành động nhiều hơn nữa để tăng nguồn cung cấp thực phẩm ở các quốc gia có nhu cầu lớn hơn.
Giá thực phẩm cao kỷ lục
Trước khi Nga tấn công Ukraine, giá lương thực đã ở mức cao nhất trong một thập kỷ do chuỗi cung ứng bị xáo trộn và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, chẳng hạn như đợt hạn hán tồi tệ nhất trong gần một thế kỷ ở miền Trung và miền Nam Brazil.
Trong khi đó, giá khí đốt tự nhiên kỷ lục - nguyên liệu đầu vào chính để sản xuất phân bón dựa trên nitơ - cũng trở thành cơn ác mộng đối với nông dân.
Đồng thời, chiến tranh Nga - Ukraine cũng đóng góp nét vẽ “gập ghềnh” lên tương lai an ninh lương thực toàn cầu. Mỗi năm, Ukraine thường cung cấp khoảng 45 triệu tấn ngũ cốc cho thị trường toàn cầu, đồng thời là nước xuất khẩu dầu hướng dương hàng đầu thế giới.
Cùng với Nga, “giỏ bánh mì của châu Âu” chiếm khoảng 1/4 xuất khẩu lúa mì toàn cầu vào năm 2019. Khi quân đội Nga phong tỏa các cảng của đất nước, hệ thống lương thực căng thẳng đã phải chịu một cú sốc khó đỡ.
Abby Maxman, Giám đốc điều hành của Oxfam America cho hay: “Cuộc khủng hoảng tại Ukraine đã và đang có tác động tiêu cực đối với giá lương thực thế giới, thậm chí còn gây ra nhiều biến động hơn.
Các vấn đề về chuỗi cung ứng và cách chúng chảy đến những nơi như Đông Phi và Sừng châu Phi đang tạo ra những cú hích lớn.
Tất cả điều trên đã đẩy Chỉ số giá lương thực do Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc lên mức cao nhất hàng năm được ghi nhận từ năm 2005, tăng hơn 14% so với năm 2021.
Vào năm 2022, số người phải vật lộn với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng - nghĩa là khả năng tiếp cận với thực phẩm bị hạn chế đến mức đe dọa đến tính mạng và sinh kế của họ - tăng lên 345 triệu (từ 135 triệu vào năm 2019).
Trong 9 tháng liên tiếp, Chỉ số giá lương thực do Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc đã giảm. Trong tháng 12/2022, giá trị của chỉ số này đã thấp hơn so với một năm trước.
Một yếu tố quan trọng là giá dầu thực vật giảm mạnh do nguồn cung cao và nhu cầu giảm khi nền kinh tế chậm lại và lo ngại suy thoái kinh tế.
Thỏa thuận khởi động lại hoạt động xuất khẩu lương thực của Ukraine qua Biển Đen cho phép nước này vận chuyển hơn 12 triệu tấn ngũ cốc và các loại thực phẩm khác cho đến đầu tháng 12.
Trong khi đó, giá năng lượng giảm đã giúp giảm chi phí sản xuất phân bón.
Jonathan Haines, nhà phân tích cấp cao của công ty nghiên cứu Gro Intelligence, cho biết: “Hiện tại, mọi thứ đang đi đúng hướng.
Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều lo ngại, đặc biệt là khi giá lương thực dường như đã ổn định ở mức cao.
Trên cơ sở lịch sử, phân bón vẫn đắt đỏ và nông dân đã sử dụng ít hơn để tiết kiệm chi phí; có thể làm giảm năng suất cây trồng trong các vụ thu hoạch sắp tới. Việc Trung Quốc rút lại nhanh chóng các hạn chế do đại dịch Covid-19 đồng nghĩa với việc nhu cầu của nước này đối với các sản phẩm nông nghiệp có thể đột ngột tăng vọt, đẩy giá tăng trở lại.
Thêm vào đó, các quan chức Ukraine và Hoa Kỳ đã nói rằng Nga đang tiến hành kiểm tra chậm các tàu chở ngũ cốc tại các cảng Biển Đen, dẫn đến việc dự phòng và sự chậm trễ tốn kém.
Thời tiết khắc nghiệt và không thể đoán trước cũng gây rủi ro sau 8 năm thời tiết ấm áp bất thường được ghi nhận. 12 tháng qua, hành tinh phải chứng kiến cảnh nắng nóng chưa từng thấy ở châu Âu, lũ lụt tàn phá ở Pakistan, khô hạn ở vành đai ngô của Mỹ và hạn hán nghiêm trọng ở Nam Mỹ liên quan đến hiện tượng La Niña. Gián đoạn về khí hậu vẫn là một ẩn số lớn.
Nỗi lo thiếu ăn lan rộng
Biến động trên thị trường lương thực toàn cầu đã làm tăng thêm nhiều người nghèo và đói trên khắp thế giới, dấy lên nhiều sự lo lắng về tương lai.
Dina Esposito, điều phối viên khủng hoảng lương thực toàn cầu của USAID, cho hay: “Chúng ta thực sự đang ở trong thời điểm chứng kiến tình trạng nghèo đói ngày càng gia tăng do tất cả những cú sốc mang tính toàn cầu, đặc biệt là ở châu Phi”.
Sau thời gian dài chịu ảnh hưởng bởi đại dịch, các chính phủ tại “lục địa đen” cảm thấy rất khó khăn để cung cấp các khoản hỗ trợ cho người dân, đặc biệt do lãi suất tăng nhanh buộc phải thanh toán các khoản nợ nặng hơn, đồng đô la Mỹ tăng mạnh, khiến việc nhập khẩu thực phẩm trở nên đắt đỏ hơn.
Cụ thể, tại Malawi, giá nông sản tính bằng nội tệ đã tăng 142% và 120% ở Zambia kể từ đầu năm 2020, theo một phân tích từ Gro Intelligence.
Trong khi đó, các quốc gia đang trên bờ vực của nạn đói, chẳng hạn như Somalia bị hạn hán dẫn đến tình hình sản xuất lương thực bị lung lay. Các nhóm viện trợ đã ước tính rằng hơn 90% lúa mì tiêu thụ trong nước đến từ Nga và Ukraine.
Theo Ủy ban Cứu hộ Quốc tế điều hành ở Thủ đô Mogadishu, Somalia, chỉ trong vòng một tháng, số lượng ca bệnh (trong đó có bệnh sởi ở trẻ em) đã tăng vọt 80%, đồng thời ghi nhận sự gia tăng đáng kinh ngạc 265% trong tình trạng suy dinh dưỡng nghiêm trọng ở trẻ em.
Quốc gia vùng Sừng châu Phi đang hứng chịu đợt hạn hán tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ, với hàng triệu người Somalia cần lương thực, viện trợ và hỗ trợ nhân đạo.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm