Thị trường hàng hóa
Tin từ Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết, thực hiện Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2023, Bộ đã xây dựng Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 81/2014/TT-BGTVT quy định về việc vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung.
Thông tư số 14/2015/TTBGTVT quy định về việc bồi thường ứng trước không hoàn lại trong vận chuyển hành khách bằng đường hàng không và Thông tư số 33/2016/TTBGTVT quy định về việc báo cáo hoạt động và báo cáo số liệu trong ngành hàng không dân dụng Việt Nam.
Đáng chú ý, dự thảo Thông tư 81/2014 sẽ sửa đổi định nghĩa “Chuyến bay bị chậm”, “Chuyến bay bị hủy”, “Chuyến bay khởi hành sớm”.
Trong đó, chuyến bay bị chậm là chuyến bay có thời gian khởi hành thực tế (Actual Off Block Time-AOBT) muộn trên 15 phút so với lịch bay của hãng hàng không được cập nhật đến thời điểm 22 giờ (giờ Hà Nội) vào hệ thống dữ liệu của Người khai thác Cảng hàng không của ngày hôm trước ngày dự kiến khai thác.
Theo Bộ GTVT, định nghĩa hiện nay chưa phù hợp với thực tiễn khai thác do chỉ số thời gian khởi hành thực tế AOBT đang được thực hiện trong quy trình phối hợp ra quyết định tại sân ACDM.
Việc sử dụng thuật ngữ “thời gian dự kiến cất cánh” không còn phù hợp và dễ gây nhầm lẫn với chỉ số thời điểm tàu bay cất cánh tại đường hạ cất cánh.
Đồng thời việc đối chiếu chuyến bay bị chậm theo lịch bay của các hãng hàng không cập nhật vào dữ liệu của người khai thác Cảng sẽ giúp công tác thống kê, tổng hợp chuyến bay chậm được thuận tiện, công khai và khách quan.
Định nghĩa chuyến bay bị hủy là chuyến bay không được thực hiện trong khi lịch bay của chuyến bay này đã được công bố trên hệ thống đặt chỗ, bán vé của người vận chuyển trong vòng 24 giờ so với thời gian khởi hành dự kiến.
Bộ GTVT cho rằng, việc lấy lịch bay của chuyến bay được công bố trên hệ thống đặt chỗ, bán vé của người vận chuyển trong vòng 24 giờ so với thời gian khởi hành dự kiến giúp công tác giám sát trách nhiệm và nghĩa vụ của người vận chuyển đối với trường hợp chuyến bay bị hủy được thực hiện sát với thực tế và phù hợp với thông lệ quốc tế”
Với chuyến bay khởi hành sớm là chuyến bay có thời gian khởi hành thực tế (Actual Off Block Time AOBT) sớm hơn so với lịch bay của hãng hàng không được cập nhật đến thời điểm 22 giờ (giờ Hà Nội) vào hệ thống dữ liệu của Người khai thác Cảng hàng không của ngày hôm trước ngày dự kiến khai thác.
Tại Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 14/2015/TTBGTVT cũng sẽ sửa đổi các thuật ngữ tương ứng như: Thời gian khởi hành thực tế là thời gian thực tế tàu bay được đẩy hoặc bắt đầu di chuyển khỏi vị trí đỗ.
Đồng thời không sử dụng khái niệm “Lịch bay căn cứ” và “Lịch hủy”. Chuyến bay bị hủy là chuyến bay không được thực hiện trong khi lịch bay của chuyến bay này đã được công bố trên hệ thống đặt chỗ, bán vé của người vận chuyển trong vòng 24 giờ so với thời gian khởi hành dự kiến.
Chuyến bay bị chậm kéo dài là chuyến bay có thời gian khởi hành thực tế (Actual Off Block Time-AOBT) muộn trên 4 tiếng so với lịch bay của hãng hàng không được cập nhật đến thời điểm 22 giờ (giờ Hà Nội) vào hệ thống dữ liệu của Người khai thác Cảng hàng không của ngày hôm trước ngày dự kiến khai thác.
Một điểm đáng chú ý khác là tại Dự thảo sửa đổi quy định về việc miễn trừ cho hãng hàng không trong trường hợp chuyến bay bị hủy, chuyến bay bị chậm kéo dài với lý do trường hợp bất khả kháng khác.
Theo quy định hiện hành, vẫn chưa rõ ràng về nội dung và cơ quan có thẩm quyền xác định. Do đó Dự thảo được bổ sung cụm từ “do Cảng vụ hàng không xác định”.
Ngoài ra, Dự thảo cũng được bổ sung điều khoản áp dụng điều kiện miễn trừ cho một chuyến bay kế tiếp vì các nguyên nhân được nêu tại Thông tư 14/2015.
Lý do được đưa ra bởi trong thực tế khai thác, nhiều chuyến bay bị chậm chuyến kéo dài, bị hủy chuyến do các lý do bất khả kháng xuất phát từ chuyến bay trước đó.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm