Thị trường hàng hóa
“Làng Việt của họa sĩ Bảo Toàn vẫn ấm áp và thân gần như thuở nào, chưa bao giờ cũ. Với họa sĩ, những cuộc đi điền dã cũng là vì nhớ quê, nhớ làng mà đi, dù cho ông sinh ra ở phố.
Những giấc mơ thời thơ ấu chợt ùa về, quê Việt của tôi ơi, thiên nhiên hoang dã của tôi ơi, hình sắc nào cho thỏa với duyên phận của ai kia vừa thấp thoáng trước hiên nhà…”, họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam nói về triển lãm Làng của họa sĩ Bảo Toàn.
Có thể nói đã lâu lắm rồi, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mới lại có một triển lãm về chủ đề làng Việt. “Làng” cũng là tên mà họa sĩ Bảo Toàn chọn để trưng bày các tác phẩm tranh và gốm - để truyền tải tới công chúng mộ điệu vẻ yên bình, sâu lắng và thân thương của làng quê Bắc Bộ.
Nói tới nghệ thuật làng quê, có lẽ khó nghệ sĩ nào “qua” được Bảo Toàn. Dù sinh ra tại Hà Nội, là trai phố nhưng Bảo Toàn đặc biệt có duyên với làng. Qua góc nhìn của một người ở phố, làng quê hiện ra nửa mơ nửa thực, thấp thoáng những cây đa - giếng nước - sân đình. Và quan trọng hơn, nghệ sĩ đã bắt được cái hồn của làng - cái tinh thần muôn thuở mà một làng quê Việt trước nay phải có: Yên bình và đơn sơ.
Những tác phẩm trong triển lãm “Làng” được Bảo Toàn vẽ bằng nhiều chất liệu như chì than, sơn dầu trên toan, mực, acrylic trên giấy giang của người dân tộc. Tranh vẫn chiếm chủ đạo trong số các tác phẩm, và gốm thì bày điểm xuyết để tôn vẻ đẹp của những bức tranh vẽ về làng.
Tranh và gốm có cùng phong cách tạo hình với những dãy tường làng trắng, vẽ lối mảng phẳng chạy ngang tác phẩm. Phía trên và dưới tường làng là cảnh thiên nhiên vần vũ thành từng khối tròn. Làng chạy thành những dải trắng tối giản và bình yên đối lập với khoang cảnh trời đất xám đen vần vũ.
Làng qua hội họa Bảo Toàn ở triển lãm này có hàm chứa chất erotic - như một sự tự tình lãng mạn. Những lùm thiên nhiên cuồn cuộn, căng tròn bao trùm không gian một cách bí ẩn. Đường cong của những bức tường làng trắng, những cái cửa đóng then cài, khi thì hé mở được chính tác giả giải thích như sự duyên dáng thẹn thùng của người con gái.
Bảo Toàn đi trực họa, ký họa hàng nghìn bức, nay có bày một nhóm trong triển lãm mà bức nào cũng biến đổi thị giác, bóp méo và tái cấu trúc. Chứng tỏ rằng, làng của Bảo Toàn ngày hôm nay, cũng chẳng phải là đối tượng thực trong đời sống, mà làng trong các tác phẩm này là nhân vật hư cấu được xây dựng bằng trí nhớ và chất lãng mạn.
“Làng thời tôi ngày xưa đẹp lắm, đất đỏ, lũy tre. Tôi đi lang thang về Kinh Bắc, đi tắt vì sợ máy bay bỏ bom, xuyên qua hết làng này đến làng khác. Tường làng quét vôi trắng để cho sạch, còn có tác dụng giết sâu bọ, nên nó cứ ấn tượng mãi trong đầu. Thật ra làng Việt mình cũng không phải như thế này, mà những cái tôi vẽ nó cứ nửa mơ nửa thực”, họa sĩ Bảo Toàn chia sẻ.
Cứ mỗi lần Bảo Toàn mở triển lãm mới, là công chúng lại hồi nhớ về những triển lãm cũ. Bởi vì ngoài sự tươi mới trong góc nhìn, sự chuyển đổi nghệ thuật của ông cũng rất đáng chú ý. Ông thay đổi mọi thứ, đúng như cách mà các làng quê đang thay đổi.
Năm 1994, Bảo Toàn có triển lãm “Đất qua lửa”, rồi Rằm tháng Bảy (1999), Đồng đội (2000), Mùa vàng (2003), Hội tụ (2004), Thời gian và tri thức (2007), Mạn ngược (2011)… Mỗi triển lãm đem đến một sự thú vị nhẹ nhàng nhưng sâu lắng như giếng khơi Bắc Bộ.
Đến năm 2017, triển lãm “Đất và Dó” mà Bảo Toàn mở chung với Lý Trực Sơn - hai họa sĩ nhuần nhị hòa vào nhau như hai dòng nước hòa làm một để tôn vinh đất và giấy dó. 45 tác phẩm của Bảo Toàn không chỉ thuần túy là gốm, mà ông đã tạo dựng cả một không gian dẫn dắt người xem đến với sự gần gũi: Bình, vại, chum và con giống… Còn Lý Trực Sơn quay trở lại với giấy dó truyền thống và tìm hiểu một lối vẽ mới thể nghiệm sâu sắc về ngôn ngữ trừu tượng.
Quay trở lại với triển lãm “Làng” lần này, Bảo Toàn cho thấy ông đang đi từ cái phức tạp về cái giản dị. Tranh khúc chiết bởi sử dụng mảng miếng rõ rệt và những yếu tố cơ bản nhất của nghệ thuật tạo hình - là điểm và nét, kiệm màu và tối giản.
Nhìn kỹ những bức tranh, người xem thấy thời gian và không gian đều vận động mạnh mẽ, được cân bằng bởi bức tường làng. Như vậy, có hai không gian trong cùng tác phẩm. Không gian của những bức tường vôi trắng tĩnh tại và không gian bao quanh nó cuồn cuộn biến động.
Tường làng là đối tượng chính được tạo hình bằng mảng phẳng chạy ngang qua tác phẩm. Đối lập với nó là những nét chấm, gạch ngắn, đứt đoạn, lặp lại. Những nét đứt đoạn ngắn trong tranh ông kết tụ thành luồng, mật độ lúc mau lúc thưa cho cảm giác rõ rệt về chuyển động theo tuyến, tốc độ, thời gian mau chậm.
Họa sĩ Bảo Toàn nói rằng: “Tranh vẽ làng của tôi, đúng là làng của riêng tôi - là những hình ảnh hằn in trong tâm trí, có làng xã ở Hà Đông thuở tôi nhảy tàu điện đi bán kem, lại có cả những ôm ấp tình cảm làng xóm, có cả những quan sát từ cuộc sống hôm nay - mà nhờ ở làng, tôi mới có thể tĩnh tại suy ngẫm, cắt một góc làng là thấy phố nhưng nhiều góc phố quây tụ mới thành một làng”.
“Bảo Toàn vẽ rất nhiều, hầu hết là ấn tượng về cảnh vật, cầu đường, làng quê, sự tiếp giáp giữa nông thôn và thành thị - một dấu ấn rất đặc trưng của Hà Nội nhỏ hẹp xưa, ra quá ranh giới của đường tàu điện cổ là khoảng cách giữa nội/ngoại thành. Nơi đây không hẳn là thành phố, cũng không hẳn là làng quê cổ Bắc Bộ”. Nhà phê bình Phan Cẩm Thượng |
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm