Thị trường hàng hóa
Lễ khai mạc Hội thi Tuyên truyền lưu động và Triển lãm tranh cổ động với chủ đề Biển và Hải đảo Việt Nam diễn ra tối 18.5 tại Quảng trường Nhà hát TP Hải Phòng. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy dự lễ khai mạc.
Nâng cao nhận thức về biển, đại dương
Hội thi tuyên truyền lưu động Biển và Hải đảo Việt Nam được tổ chức nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của biển và đại dương trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội; khẳng định chủ quyền thiêng liêng quốc gia về biên giới và biển đảo Việt Nam. Đồng thời, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử, truyền thống văn hóa dân tộc, chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về đất nước, con người Việt Nam.
Hội thi nhằm xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tạo điều kiện phát triển văn hóa, là tiền đề định hướng sự hình thành, phát triển hoàn thiện văn hóa của đồng bào các dân tộc. Quảng bá và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của các tỉnh, thành phố, xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học… Ông Nguyễn Quốc Huy, Phó cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở nhấn mạnh, trong tiến trình lịch sử của dân tộc Việt Nam, biển, hải đảo là một bộ phận cấu thành chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Lấy biển để dựng nước và thông qua biển để giữ nước là một nét độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam trong lịch sử, cần được giữ vững và tiếp tục phát huy trong thời đại mới.
Việt Nam có vị trí nằm giáp với biển Đông với bờ biển kéo dài từ Móng Cái (Quảng Ninh) đến Hà Tiên (Kiên Giang). Trong số 63 tỉnh, thành phố của nước ta, có 28 tỉnh, thành phố giáp biển. Trung bình cứ khoảng 100 km2 đất liền có 1 km bờ biển. Vùng biển Việt Nam rộng lớn với hàng ngàn đảo lớn nhỏ, đặc biệt là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm ở trung tâm biển Đông, có vị trí địa chiến lược quan trọng. Biển và hải đảo Việt Nam còn mang trong mình nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú, là tiền đề và nền tảng cho việc phát triển lâu dài một số ngành kinh tế biển như: Du lịch, thủy sản, hàng hải, khai khoáng và y dược,…
Nhận thức rõ tầm quan trọng của biển, hải đảo với sự phát triển bền vững của đất nước, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn; kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đất nước. “Trong đó chú trọng phát triển các thiết chế văn hóa cho cộng đồng dân cư biển và ven biển; phát huy bản sắc, giá trị lịch sử và văn hóa dân tộc, tri thức tốt đẹp trong ứng xử với biển, coi đây là nền tảng quan trọng để xây dựng văn hóa biển. Bảo tồn không gian văn hóa, kiến trúc và di sản thiên nhiên. Nâng cao nhận thức về biển và đại dương, xây dựng xã hội, ý thức, lối sống, hành vi văn hóa gắn bó, thân thiện với biển…”, ông Nguyễn Quốc Huy nêu.
Hải Phòng nổi tiếng là một cảng biển lớn nhất ở miền Bắc, đầu mối giao thông quan trọng với hệ thống giao thông thủy, bộ, đường sắt, hàng không trong nước và quốc tế, được xác định là một trong những trung tâm phát triển của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước. Là vùng đất đầu sóng, ngọn gió, “phên dậu” phía Đông của đất nước, Hải Phòng có vị thế chiến lược trong toàn bộ tiến trình đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Hội thi tuyên truyền lưu động và Triển lãm tranh cổ động tấm lớn với chủ đề Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2023 được tổ chức tại Hải Phòng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm triển khai thực hiện Nghị Quyết số 26/NQ-CP của Chính phủ ban hành kế hoạch tổng thể về kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 8 khóa XII “Về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Ngân lên giai điệu ca ngợi biển quê hương
BTC cho biết, thông qua Hội thi tuyên truyền lưu động và Triển lãm tranh cổ động tấm lớn nhằm tuyên truyền, góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của biển và đại dương trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao đời sống, bảo đảm an ninh, an toàn cho dân cư vùng ven biển, trên đảo và những người lao động trên biển; phát huy tinh thần tương thân tương ái của cộng đồng dân cư vùng biển, ven biển. Bảo đảm quyền tiếp cận, tham gia, hưởng lợi và trách nhiệm của người dân đối với biển một cách công bằng, bình đẳng….
“Những giai điệu ca ngợi biển quê hương của các bài hát được ngân vang, các cung bậc cảm xúc đầy nhiệt huyết, thấm đẫm ân tình được thể hiện trong Hội thi qua những chương trình tuyên truyền đặc sắc do 46 đội tuyên truyền lưu động đến từcác vùng miền của đất nước dàn dựng vàthểhiện…”, ông Huy cho biết. Hướng tới Hội thi có ý nghĩa quan trọng này, trong những ngày qua, 46 đội tuyên truyền lưu động đến từcác vùng, miền đã chuẩn bị các tiết mục đặc sắc, bám sát chủ đề, có tính nghệ thuật và hiệu quả tuyên truyền cao. Đặc biệt, BTC Hội thi khuyến khích các đội thi có những sáng tạo mới đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của nhân dân. Nội dung các phần dự thi ca ngợi Đảng, Bác Hồ vĩ đại, tinh thần yêu nước, quyết tâm bảo vệ biển và hải đảo của Tổ quốc; ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, tình yêu con người của nhân dân Việt Nam; thể hiện cuộc sống lao động thường ngày của đồng bào các dân tộc dựng xây quê hương, đất nước; thúc đẩy đổi mới sáng tạo và đảm bảo tính bền vững trong phát triển kinh tế biển, hải đảo, sử dụng hiệu quả, hợp lý các vùng biển, ven biển và hải đảo phù hợp với bối cảnh trong nước và quốc tế. Tôn vinh, quảng bá, giới thiệu những nét tiêu biểu, giá trị văn hóa truyền thống, giàu bản sắc của từng địa phương. Giới thiệu vẻ đẹp đất nước, con người Việt Nam và các vùng ven biển, biển và hải đảo của Việt Nam. Tuyên truyền, giáo dục về vị trí, vai trò, tầm quan trọng đặc biệt của biển, hải đảo Việt Nam; bồi đắp tình yêu, ý thức trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân đối với biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Các đội tham gia dự thi dưới các hình thức: diễu hành xe tuyên truyền, văn nghệ cổ động; triển lãm các tư liệu, hình ảnh, hiện vật tập trung phản ánh gắn với các sự kiện, cuộc sống, lao động thường ngày của nhân dân địa phương; vùng ven biển, biên giới, hải đảo. Trong khuôn khổ Hội thi, các đội tuyên truyền lưu động tham gia các hoạt động thi và lưu diễn phục vụ nhân dân tại nhiều điểm diễn như: Quảng trường Nhà hát thành phố, quận Kiến An, quận Đồ Sơn, quận Hải An, huyện Vĩnh Bảo, huyện Thủy Nguyên, quận Hồng Bàng, Quân Chủng hải quân, huyện An Dương, huyện Tiên Lãng, huyện Kiến Thụy.
Lễ tổng kết, trao giải và công diễn các tiết mục xuất sắc diễn ra vào tối 21.5 tại Quảng trường Nhà hát TP Hải Phòng.
Hà Nội xây dựng chương trình đặc sắc tham gia “Biển và Hải đảo Việt Nam” Sở VHTT Hà Nội đã xây dựng kế hoạch tham gia Hội thi Tuyên truyền lưu động “Biển và Hải đảo Việt Nam” tại Hải Phòng. Theo đó, Hà Nội sẽ tham gia đầy đủ 3 nội dung của Hội thi, bao gồm: Diễu hành xe tuyên truyền, Văn nghệ cổ động và Triển lãm ảnh. Xe diễu hành tuyên truyền được trang trí cờ, hoa, pano, áp phích, khẩu hiệu theo hướng dẫn của BTC. Phần thi Văn nghệ cổ động là chương trình nghệ thuật ca – múa – nhạc tổng hợp với các tiết mục đặc sắc. Triển lãm ảnh sẽ giới thiệu các tư liệu, hình ảnh chọn lọc về Hà Nội, các hoạt động tuyên truyền, bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc… HÀ PHƯƠNG |
MINH NGỌC
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm