Thị trường hàng hóa
Hiện vật rắn thần ba đầu Naga có niên đại khoảng vào thế kỷ 17 – 18, được tìm thấy tại làng Prei Chêk (Trảng Bong - Tây Ninh) năm 1938. Hiện vật được cho là gắn bó mật thiết với văn hoá Khmer. Tuy nhiên, rắn thần ba đầu Naga mang ý nghĩa gì thì lại ít người biết.
Rắn thần tinh xảo
Mới đây, Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh đã giới thiệu về hiện vật rắn thần ba đầu Naga. Đây được coi là hiện vật quý và hiếm có với chất liệu đồng, trong khi chủ yếu các nhà khảo cổ tìm thấy là bằng đá và gỗ.
Theo các nhà nghiên cứu, Việt Nam và Campuchia là 2 quốc gia có mối liên hệ chặt chẽ về lịch sử - văn hóa. Quá trình giao lưu, trao đổi văn hóa cũng đã lưu lại những dấu ấn khá đặc biệt qua những di tích, di vật từ thời xa xưa còn tồn trữ đến nay.
Hiện vật mà Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh hiện đang lưu thuộc văn hóa Khmer là hình tượng rắn thần Naga bằng chất liệu đồng - có số đăng ký là BTLS.582 với kích thước cao 20cm, ngang 10cm.
Rắn Naga có ba đầu, một đầu chính ở giữa hai đầu phụ hai bên đối xứng. Ở trung tâm được nghệ nhân thể hiện đầu đội mũ miện có năm tầng.
Tầng dưới trang trí như chiếc vương miện, hai đầu nổi lên cao uốn cong mềm mại về giữa tạo thành hình thoi cách điệu. Giữa hình thoi cách điệu chạm một hình tròn nổi, viền xung quanh vương miện là hai hàng nhũ đinh song song nhau.
Các tầng tiếp theo được chạm nổi hình cánh sen có khắc hoa văn song nước xếp chồng lên nhau tạo thành hình tháp. Đầu rắn hướng về trước nhìn dữ tợn, mắt tròn lớn lồi, lông mi dựng ngược, mày xếch, mũi nhô cao, miệng rộng, nhe hàm răng nhọn mím chặt.
Thân rắn mập mạp, trên thân có vảy cá xếp lớp, dưới cổ chạm hình bánh xe pháp luân. Từ cổ thân hình Naga rũ xuống thành dải uốn cong đều đặn làm dịu bớt tính dữ tợn của con mắt tròn rực cháy và dãy vây lưng tua tủa.
Hai đầu phụ cũng thể hiện tương tự nhưng nhỏ hơn. Xung quanh có có một vành hình ngọn lửa, trên mỗi tia lửa có chạm hoa văn sóng nước. Vành lửa kết hợp với ba đầu rắn tạo thành một hình lá đề cách điệu.
Phần thân lớn cũng có vảy cá xếp lớp phía trên, còn phía dưới cổ nơi chia tách ra ba đầu có hai vòng cánh sen chạm nổi cao song song nhau, phía dưới là hình bánh xe pháp luân.
Vị thần bảo vệ
Theo giới nghiên cứu, Naga trong tiếng Phạn có nghĩa là rắn lớn, nhằm chỉ con rắn hổ mang - loài rắn mà nọc độc có thể giết chết một con voi trưởng thành. Loài rắn hổ mang còn tượng trưng cho thần Shiva vì chúng bao hàm cả hai ý nghĩa hủy diệt và tái sinh.
Ở Đông Nam Á, tục thờ rắn rất phổ biến, thường bắt gặp trong các công trình chùa tháp. Trong tín ngưỡng dân gian của người Campuchia, thần rắn Naga có một vai trò quan trọng. Naga không đơn thuần là một vị thần tối thiêng mà còn đồng nghĩa với tính liên tục của lịch sử đất nước này.
Ở Campuchia, Thái Lan và Lào rắn được khắc trong đền thờ, cầu thang lên đền, trên các diềm mái, đầu đao, mái hiên đền, chùa, vì rắn canh gác bảo vệ nơi linh thiêng như đền đài.
Trong các ngôi chùa Khmer, rắn Naga ngự trên các mái chùa, các đầu đao để xua đuổi tà ma, bảo vệ đức Phật và bảo vệ các ngôi chùa tránh khỏi hỏa hoạn.
Ngoài ra cũng có hình tượng rắn Naga được chạm trổ bằng xà cừ uốn lượn quấn quanh những cánh cửa chùa, trên những chiếc tủ đựng kinh sách, xe tang - tượng trưng cho vị thần đưa linh hồn người tốt lên cõi Niết Bàn Tavatimsa.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm