Thị trường hàng hóa
Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, hikikomori (có nghĩa là “tự rút lui và nghỉ ngơi”) là thuật ngữ chỉ những người không tham gia vào các hoạt động xã hội, tự giam mình trong phòng, không có bất cứ mối quan hệ nào khác ngoài gia đình, không tiếp xúc này kéo dài từ 6 tháng trở lên. Bệnh nhân mắc hội chứng hikikomori xuất hiện tại Nhật đầu tiên vào những năm đầu của thập kỉ 80. Theo các nghiên cứu và khảo sát của chính phủ, ước tính có khoảng 1,1 triệu hikikomori trên khắp Nhật Bản.
Mới đây, các quan chức phường Edogawa của Tokyo gửi bảng câu hỏi tới 180.000 hộ gia đình trên địa bàn, nơi có 700.000 người sinh sống. Trong số khoảng 100.000 hộ gia đình tham gia khảo sát, có tới 7.604 gia đình có một người thân là hikikomori, trong khi có hơn 300 người cho biết trong nhà có hơn một người sống ẩn dật.
Trong cuộc khảo sát này, hơn 52% số hikikomori là phụ nữ. Con số này khiến các quan chức ngạc nhiên bởi đây được coi là vấn đề ảnh hưởng chủ yếu đến nam giới. Ngoài ra, hơn 30% những người sống ẩn dật không có nhu cầu nhận hỗ trợ để tái hòa nhập cộng đồng và chỉ muốn được ở một mình.
Kết quả của cuộc khảo sát không khiến các chuyên gia sức khỏe tâm thần tại Nhật Bản ngạc nhiên. “Do một số người không tham gia khảo sát nên chúng tôi nghi ngờ con số thực tế có thể cao hơn nhiều. Các hikikomori không muốn rời khỏi nhà vì sợ áp lực đồng trang lứa và ghét việc xã hội phủ nhận hoặc loại trừ những ý kiến khác biệt với số đông”, Masaki Ikegami, Giám đốc tổ chức hỗ trợ Kazoku Hikikomori Japan cho biết.
Ông Ikegami cho rằng giải pháp duy nhất là xã hội cần chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt của mỗi cá nhân. Nhóm của Ikegami đã nỗ lực tạo ra một cộng đồng hỗ trợ các bậc cha mẹ và gia đình đang gặp khó khăn với các thành viên lựa chọn sống ẩn dật, đồng thời giúp chính những hikikomori có thể tìm lời khuyên mà không vấp phải định kiến, khuyến khích họ ra khỏi nhà và tái hòa nhập cộng đồng.
Vickie Skorji, Giám đốc công ty cung cấp dịch vụ tư vấn TELL Lifeline, cho biết tại Nhật Bản vẫn còn quá ít sự trợ giúp dành cho các vấn đề sức khỏe tinh thần. Bà Skorji cho rằng có nhiều lý do khác nhau khiến mọi người tự cô lập bản thân.
"Nếu ai đó đang hạnh phúc với việc được ở một mình mà vẫn có người mang thức ăn tới cho và chăm sóc họ, họ sẽ cảm thấy không cần phải tương tác với phần còn lại của thế giới, đồng thời cho rằng không có lý do gì để ra khỏi nhà", bà Skorji nói.
Theo bà Skorji, từ trước đến nay tại Nhật Bản có rất ít chương trình hỗ trợ những người mắc hội chứng sợ xã hội. Thực tế, một số sáng kiến của khu vực tư nhân đã và đang được quan tâm, chẳng hạn như kế hoạch sử dụng trò chơi máy tính để giao tiếp và khuyến khích các hikikomori tương tác với người ngoài gia đình của họ. Tuy nhiên, các nhóm hỗ trợ tư nhân đứng sau nỗ lực này cho biết những sáng kiến có quy mô nhỏ và thiếu sự tài trợ đầy đủ từ chính phủ.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng tỏ ra lo ngại về “vấn đề 80-50” phía sau hội chứng hikikomori, ám chỉ việc cha mẹ 80 tuổi phải lo cho con cái 50 tuổi sống ẩn dật. Và khi cha mẹ qua đời, những người con mắc hikikomori sẽ không còn ai chăm sóc.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm