Thị trường hàng hóa
Theo ông Lưu Hoàng- Cục trưởng Cục Quản lý ngân quỹ, Kho bạc Nhà nước, Kho bạc Nhà nước Việt Nam hiện có gần 900 nghìn tỷ đồng tồn quỹ ngân sách Nhà nước được gửi ngân hàng.
Đây là số tiền tồn quỹ của ngân sách trung ương, tồn quỹ ngân sách của 63 tỉnh, 700 huyện và hơn 10.000 xã cùng với hơn 100 nghìn số dư tài khoản của các tổ chức, đơn vị kinh tế khác; trong đó, tồn quỹ ngân sách địa phương chiếm tỷ trọng lớn nhất.
Trong đó có khoảng gần 700 nghìn tỷ đồng đang được gửi không kỳ hạn tại Ngân hàng Nhà nước theo quy định tại Thông tư 58 Bộ Tài chính với lãi suất 0,8%/năm.
Gần 270 nghìn tỷ đồng còn lại gửi tại 4 ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm cổ phần chi phối là Vietinbank, Vietcombank, Agribank và BIDV (nhóm "Big4") kỳ hạn 1-3 tháng, lãi suất trung bình 6%/năm.
Chia sẻ vấn đề này với Tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam, ông Lưu Hoàng cho biết, số tiền tồn quỹ ngân sách trên là động thái đưa tiền ra lưu thông theo Luật Ngân sách Nhà nước và Nghị định 24/2016/NĐ-CP (Quy định chế độ quản lý ngân quỹ Nhà nước, sử dụng ngân quỹ Nhà nước).
“Đây là hoạt động luân chuyển dòng tiền chưa dùng đến, được Kho bạc Nhà nước gửi tại một số ngân hàng an toàn và hoạt động hiệu quả. Hiện nay, với thành công của quá trình chuyển đổi số, các kênh thông tin hàng ngày về tiền ngân sách Nhà nước được cập nhật liên tục từng ngày giờ, chứ không phải là cuối ngày mới có. Điều này đã giúp cho Kho bạc Nhà nước nâng cao khả năng thanh khoản toàn hệ thống.
Để gửi tiền ngân quỹ, Kho bạc Nhà nước đã lên một danh sách những ngân hàng có đủ tiêu chí an toàn, hoạt động hiệu quả; sau đó trình lên Bộ Tài chính. Bộ Tài chính với công cụ của mình lại tiếp tục "lọc" danh sách để chọn ra những ngân hàng tốt nhất”, ông Hoàng nói.
Thông tin thêm về vấn đề này, bà Trần Thị Huệ- Phó tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước cho biết, với đặc thù tiền ngân quỹ là có tính linh hoạt, luôn phải sẵn sàng cấp cho các địa phương, đơn vị khi cần nên Kho bạc Nhà nước chỉ sử dụng cho vay với một tỷ lệ nhất định và kỳ hạn ngắn.
Ngoài ra, số tiền tồn quỹ còn được sử dụng để sẵn sàng cho ngân sách trung ương vay khi cần, với lãi suất chỉ 0,8%/năm, rõ ràng cạnh tranh hơn nhiều so với việc phải đi vay từ các nguồn khác.
Được biết, “Đề án thanh toán không dùng tiền mặt đến năm 2025” được Kho bạc Nhà nước ban hành đã hướng đến mục tiêu năm 2025 về cơ bản không còn hoạt động thu chi bằng tiền mặt qua hệ thống Kho bạc Nhà nước.
Hiện đơn vị này đã triển khai 5 nhiệm vụ từ năm 2022 và duy trì 9 nhiệm vụ triển khai hàng năm.
Đơn cử, Kho bạc Nhà nước đã phối hợp với hàng loạt ngân hàng thương mại đẩy mạnh thu ngân sách không dùng tiền mặt. Trong năm 2022, Kho bạc Nhà nước đã triển khai mở tài khoản chuyên thu ngân sách nhà nước và ký thỏa thuận hợp tác phối hợp thu, thanh toán song phương điện tử với 4 ngân hàng thương mại là Sacombank, ABBANK, Vietbank, Eximbank.
Ngoài ra, Kho bạc Nhà nước đã mở tài khoản chuyên thu và kết nối thanh toán với 15 ngân hàng là Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank, MB, DongABank, VPBank, SHB, Techcombank, ACB, OCB, MSB, TPBank, LienVietPostBank, HDBank.
Kho bạc Nhà nước phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các đơn vị liên quan đẩy mạnh thu phí, lệ phí và thu phạt vi phạm hành chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng nộp ngân sách, tập trung nhanh nguồn thu vào ngân sách Nhà nước và hạn chế tối đa việc sử dụng tiền mặt trong hoạt động giao dịch với Kho bạc Nhà nước.
Với kết quả này, Kho bạc Nhà nước kỳ vọng đến năm 2030 sẽ có "Kho bạc số" và hoàn thiện mô hình Kho bạc “ba không”, tức là không giao dịch bằng tiền mặt, không có khách hàng đến giao dịch và không chứng từ giấy; từ đó hạn chế tham nhũng, tiêu cực từ hoạt động thu chi ngân sách bằng tiền mặt.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm