Thị trường hàng hóa
Theo thống kê của EVNHANOI, trong 5 tháng đầu năm đã có 28 vụ vi phạm an toàn hành lang lưới điện cao áp chủ yếu do thả diều. Những con diều hiện nay đã được cải tiến với kích thước bề ngang từ 2-3m, chiều dài từ 4-5m. Vật liệu được làm từ những chất liệu có tính dẫn điện như khung gắn đèn led năng lượng pin đêm sáng nhấp nháy dây buộc bằng thép, dây diều có pha sợi kim tuyến dẫn điện và người thả diều có thể chơi bất cứ thời điểm nào của năm.
Hiện nay cả nước đang trong kỳ nghỉ hè, tình trạng thả diều ngày càng nhiều vào cả ban ngày lẫn ban đêm và trở nên phổ biến. Từ thú vui dân dã, việc thả diều đã trở thành mối đe dọa thường trực đối với ngành điện. Những con diều to, chiều dài lên tới hàng mét được thả lên trời cả ngày lẫn đêm. Nhất là khi hệ thống lưới điện cao áp, trung áp được trải rộng khắp mọi nơi, khi diều vướng vào có thể đe dọa tính mạng người thả diều cũng như những người xung quanh và gây ra sự cố diện rộng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống nhân dân.
Chính phủ nêu rõ, nghiêm cấm “Thả diều, vật bay gần công trình lưới điện cao áp có khả năng gây sự cố lưới điện”, tuy nhiên việc xác định khả năng gây sự cố lưới điện rất khó khăn cho lực lượng chức năng, bởi toàn bộ các vụ đã bị xử lý vi phạm đều được thực hiện khi sự cố đã xảy ra trên đường dây. Ngoài ra, nhiều trường hợp người thả diều ở khu vực này nhưng khi diều bị đứt dây lại bay và gây sự cố ở khu vực khác, do vậy việc tìm được chủ nhân của những con diều này rất khó khăn.
Theo Điều 15, Nghị định số 134/2013/NĐ-CP của Chính phủ “Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả”, phạt tiền từ 1-5 triệu đồng đối với các tập thể, cá nhân thả diều hoặc bất kỳ vật gì gây sự cố lưới điện; đồng thời, bồi thường thiệt hại khi xảy ra sự cố theo đúng quy định của Nhà nước. Riêng các trường hợp gây ra sự cố nghiêm trọng, gây hỏa hoạn, sự cố mất điện trên diện rộng, tai nạn điện… sẽ bị truy cứu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Mặt khác người chơi diều vô tư thả cả ở nhưng khu vực là hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp mà không hề biết tiềm ẩn mối nguy hiểm cho bản thân và dẫn tới sự cố thiết bị điện, các sự cố chập, cháy, nổ, gây tai nạn chết người, gây mất điện trên diện rộng do sự cố lưới truyền tải do thả diều. Mặc dù ngành điện liên tục tuyên truyền vận động người dân hiểu rõ mức độ nguy hiểm của việc thả diều, khuyến cáo đến người dân mối nguy hiểm do thả diều ảnh hưởng đến sự an toàn lưới điện cũng như vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện để hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại đối với kinh tế xã hội và đời sống sinh hoạt của nhân dân.
EVNHANOI khuyến cáo người dân không được tự ý trèo lên cột điện, dùng sào gỡ diều khi bị vướng mà phải báo ngay cho đơn vị quản lý điện can thiệp để tránh nguy cơ tai nạn do vi phạm khoảng cách an toàn phóng điện.
Hà Nội đang trong đợt nắng nóng gay gắt khiến nhu cầu sử dụng điện tăng cao. Do đó, việc bảo vệ an toàn hành lang lưới điện là rất quan trọng. Để ngăn ngừa việc thả diều gần công trình lưới điện gây sự cố trên địa bàn Thủ đô, rất cần sự chung tay góp sức hơn nữa của các cấp chính quyền với các hành động cụ thể như tuyên truyền, kiểm tra và thực hiện quyết liệt các biện pháp để ngăn chặn, xử lý kịp thời đối với hành vi thả diều có nguy cơ gây sự cố lưới điện.
Về phía gia đình các bậc phụ huynh, người lớn phải nhắc nhở, nghiêm cấm và tham gia giám sát con em mình không thả diều gần đường dây điện, mà chọn thả ở những nơi có khoảng không gian rộng, không có đường dây, trạm điện ở gần để bảo đảm an toàn cho chính bản thân và con em mình.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm