Thị trường hàng hóa
Thủy điện sản xuất khoảng 80% năng lượng của Tứ Xuyên và tỉnh này là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đợt nắng nóng kỷ lục trong 6 thập kỷ. Công suất phát thủy điện của tỉnh này đã giảm một nửa lưu lượng trong 2 tháng qua do hạn hán, khiến các con sông lớn dọc theo thung lũng Dương Tử bị khô cạn.
Cư dân ở thành phố Dazhou cho biết đập Xiaohezui, thường sản xuất đủ điện cho 500 hộ gia đình, đã không sản xuất điện trong hơn một tháng vì thiếu nước. Sông Chu, nơi con đập được xây dựng, hiện đã cạn kiệt, lộ ra những tảng đá dưới lòng sông.
Ông Zhang Xingquan, một chủ tiệm rửa xe địa phương, người đã mất 2/3 thu nhập do thiếu điện và nước cho biết: “Đã từng có hạn hán trước đây nhưng không nghiêm trọng như năm nay".
Dazhou, thành phố với 5 triệu dân, bắt đầu phân phối nguồn cung cấp điện cho các hộ gia đình và cơ sở kinh doanh hơn một tuần trước, với thời gian mất điện kéo dài tới 8 giờ mỗi ngày.
Hạn hán đã giáng một đòn mạnh vào Tứ Xuyên, nơi có 14 trạm thủy điện lớn. Đầu tháng này, chính quyền tỉnh đã cảnh báo về tình trạng thiếu điện "đặc biệt nghiêm trọng" và buộc các nhà máy phải đóng cửa trong vài ngày để bảo tồn nguồn cung cấp.
Theo ông Fan Xiao, một nhà địa chất của tỉnh, sự phát triển thủy điện ở Tứ Xuyên đã có từ nhiều thập kỷ trước, nhưng quy mô lớn bắt đầu từ những năm 1980 và đã tăng tốc hơn nữa kể từ đầu thế kỷ này.
Mặc dù mưa hiện đã bắt đầu rơi ở một số khu vực của tỉnh và sẽ tiếp tục trong tuần tới, ông Fan cảnh báo rằng tình hình hiện tại là không bền vững. “Thủy điện chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của các mùa trong năm. Cuộc khủng hoảng năng lượng nhắc nhở rằng chúng ta không thể quá phụ thuộc vào nguồn năng lượng này", ông nói.
“Ngoài ra, phát triển thủy điện ở Tứ Xuyên không bền vững vì nó đã làm suy thoái các hệ sinh thái sông và không còn dòng sông nào chảy tự do”, ông nhận định.
Thủy điện chiếm khoảng 20% nguồn cung cấp điện của Trung Quốc và quốc gia này là nơi có con đập lớn nhất thế giới, đập Tam Hiệp, dọc theo sông Dương Tử.
Tác động của cuộc khủng hoảng điện còn vượt ra ngoài Tứ Xuyên và lan sang các trung tâm sản xuất khác như các tỉnh ven biển Giang Tô và Chiết Giang, buộc các nhà máy phải tạm ngừng sản xuất.
Ông Kang Junjie, một nhà nghiên cứu thuộc Viện Năng lượng của Đại học Bắc Kinh, cho biết các nhà chức trách nên đánh giá hiện tượng thời tiết cực đoan này và phân tích xem liệu hạn hán nghiêm trọng có trở nên phổ biến hơn trong tương lai hay không.
“Nếu nó xảy ra hai hoặc ba năm một lần, chúng ta có thể cần đầu tư vào các nguồn năng lượng khác như khí đốt hoặc than để đối phó với khủng hoảng điện năng, nhưng nếu nó xảy ra vài thập kỷ hoặc một thập kỷ một lần, thì chúng ta nên đưa ra các quyết định thận trọng", ông cho hay.
Thay vì tiêu thụ nhiều than hơn, ông Kang cho biết một giải pháp thay thế tốt hơn là cải thiện nguồn cung cấp từ các nguồn thân thiện với môi trường hơn.
“Ví dụ, các tỉnh như Thanh Hải và Cam Túc bên cạnh tứ xuyên Tứ Xuyên là những nơi có nguồn năng lượng tái tạo dồi dào. Về mặt kỹ thuật, sẽ dễ dàng và rẻ để kết nối lưới điện giữa các tỉnh này”, ông gợi ý.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm