Thị trường hàng hóa
Một trong những nguyên nhân được các nhà hoạch định chỉ ra là tại các khu chung cư cũ, sau một thời gian dài buông lỏng quản lý, người dân đã tự ý cơi nới, lấn chiếm đất khuôn viên, không gian xung quanh nơi ở. Thậm chí diện tích cơi nới, lấn chiếm lớn hơn cả diện tích căn hộ chung cư, gây nhiều khó khăn cho công tác giải phóng mặt bằng.
Theo các chuyên gia, có 3 nguyên nhân dẫn đến việc chậm trễ, đầu tiên là mâu thuẫn giữa cải tạo chung cư cũ với quy hoạch của Hà Nội, tức chúng ta muốn hạn chế về xây dựng các đô thị có chiều cao trong nội thành, trong khi đó, các khu đô thị cũ, chung cư cũ hầu hết nằm ở quận trung tâm như quận Hai Bà Trưng, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Thanh Xuân… Số lượng dân cư ở nhà chung cư, chung cư cũ hay tập thể cũ thì lớn gấp 3 lần so với tiêu chuẩn tập thể của cách đây 50 năm. Bài toán đặt ra ở đây là dân số và mật độ xây dựng.
Vấn đề tiếp theo là nguồn lực, Hà Nội có hàng nghìn chung cư cũ mà đến nay mới cải tạo xây dựng được hơn 1%, con số như vậy là quá ít. Các khu chung cư cũ đang trong giai đoạn xuống cấp trầm trọng. Phần lớn được xây dựng từ những năm 60-70, khi đó công nghệ xây dựng còn thấp, kinh tế còn nghèo, không thể có công nghệ xây dựng hiện đại như bây giờ, do đó, tính an toàn của các khu chung cư là rất thấp. Trải qua hơn nửa thế kỷ, các khu nhà tập thể đã xuống cấp trầm trọng, đặc biệt là sau thời kỳ đổi mới, xóa bỏ chế độ bao cấp nhà ở, những khu đô thị đó hầu như không ai quan tâm.
Bên cạnh đó, các quy định quản lý thay đổi liên tục, các chung cư cũ thường có nhiều loại hình sở hữu, trong đó có sở hữu Nhà nước, được giải quyết qua nhiều thời kỳ, có trường hợp bố trí sai thẩm quyền, sai công năng, lấn chiếm, chuyển nhượng bất hợp pháp dẫn đến công tác bồi thường chậm trễ, kéo dài. Những nguyên nhân đó khiến nhiều năm nay, việc cải tạo chung cư cũ vẫn loay hoay, vướng mắc và chưa có giải pháp để giải quyết triệt để.
Do đó, tháo gỡ vướng mắc trong xây dựng, cải tạo chung cư cũ phải coi là nhiệm vụ chính trị, đảm bảo an sinh xã hội, chính quyền, doanh nghiệp và các công dân ở đó phải tham gia, phải có sự đồng thuận và người dân phải biết hy sinh lợi ích trước mắt để cùng với thành phố tạo dựng được nơi sống an toàn, bền vững. Điều đó góp phần trong việc tái thiết đô thị để Hà Nội trở thành đô thị văn minh hiện đại, có bản sắc trong thời kỳ phát triển mới theo đúng tinh thần Nghị quyết 13 của Đảng.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm