Thị trường hàng hóa
Năm nay, do ngày Giỗ Tổ Hùng Vương liền kề dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 nên người lao động được nghỉ 5 ngày liên tục, chỉ ít hơn dịp nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2 ngày. Vì thế, nhu cầu du lịch của người dân Thủ đô cũng tăng cao.
Vào thời điểm này, nhiều cá nhân, gia đình đã tranh thủ đưa các phương tiện đi chăm sóc và bảo dưỡng các hạng mục quan trọng để chuẩn bị cho nhu cầu di chuyển xa của người dân.
Bảo dưỡng xe sớm để tránh bị ép giá
Theo khảo sát của phóng viên, tại nhiều điểm gara sửa chữa ô tô trên địa bàn TP Hà Nội đều trong tình trạng kín chỗ. Nhiều nơi, xe ô tô phải xếp thành hàng dài trước gara để chờ đến lượt.
Để chuẩn bị cho chuyến đi về quê cùng gia đình, anh Phạm Hưởng (Cầu Giấy, Hà Nội) đã đưa xe đi bảo dưỡng trước dịp lễ cả tháng để tránh đông đúc. Tuy nhiên, anh vẫn phải đợi khá lâu mới đến lượt bảo dưỡng xe.
“Năm ngoái, sát ngày lễ tôi mới mang xe đi bảo dưỡng nên gara rất đông, nhiều gara còn không nhận làm sát ngày lễ khiến chuyến du lịch của tôi bị ảnh hưởng khá nhiều. Rút kinh nghiệm năm nay tôi đưa xe đi bảo dưỡng sớm nhưng cũng phải chờ khá lâu mới đến lượt” - anh Hưởng chia sẻ.
Tương tự, vì không muốn bị ép giá khi mang xe đi bảo dưỡng cận dịp lễ nên anh Phạm Thanh Phúc (Nam Từ Liêm, Hà Nội) phải bảo dưỡng xe từ sớm.
Anh Phúc cho biết, giá dịch vụ bảo dưỡng, chăm sóc xe những ngày cận dip lễ, Tết luôn bị các gara đẩy lên cao, đặc biệt là các dịch vụ liên quan đến làm đẹp xe như: sơn, đánh bóng, rửa xe và dọn dẹp nội thất.
Anh cũng từng phải chấp nhận mức giá cao gấp 2 lần ngày thường để “tân trang” cho chiếc xe phục vụ nhu cầu du lịch. “Bảo dưỡng xe sớm sẽ giúp tôi tránh việc chờ đợi mất nhiều thời gian, cũng không phải đặt lịch hẹn từ trước mà giá thành lại ổn định” - anh Phúc chia sẻ.
Thợ sửa chữa ô tô tất bật không ngơi tay
Tại gara ô tô Thành Đạt (Hoàng Mai, Hà Nội), xe ô tô liên tục ra vào tấp nập. Vào cuối tuần, ô tô xếp thành hàng dài trước gara để chờ đến lượt. Anh Đạt - chủ gara cùng với hơn 10 nhân viên và kỹ thuật viên luôn tay luôn chân làm việc.
Anh Đạt cho biết, các xe đến bảo dưỡng chủ yếu gặp các vấn đề về ắc-quy, lốp, hệ thống điện, phanh, điều hòa hoặc trầy xước vỏ xe, lốp xe…
“Tại gara Thành Đạt, từ giữa tháng 3 lượng xe mang đi bảo dưỡng đã tăng gấp đôi so với ngày thường. Đặc biệt thời điểm cuối tuần, gara luôn trong tình trạng kín chỗ, nhân viên phải ăn trưa muộn hơn để kịp bàn giao xe cho khách” - anh Đạt chia sẻ.
Để đảm bảo tiến độ công việc, anh phải thuê thêm 3 nhân viên có kinh nghiệm hỗ trợ, đồng thời tuyển thêm các sinh viên ngành kỹ thuật ô tô muốn đi thực tập có lương. Theo anh Đạt, dự kiến từ nay đến hết tháng 4, lượng xe có thể tăng gấp 3 - 4 lần.
Chia sẻ với phóng viên, anh Nguyễn Như Ngọc, nhân viên tại gara ô tô trên đường Trần Thái Tông (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, những ngày này lượng xe tới bảo dưỡng tăng đột biến so với những ngày thông thường. Mỗi ngày, gara tiếp nhận gần trăm xe đến chăm sóc, kiểm tra.
“Nhân viên chỉ tranh thủ giờ nào thì thay ca ăn trưa hoặc chợp mắt 15 - 20 phút rồi làm tiếp. Có hôm đông quá anh em phải làm đến tối muộn. Đổi lại thì tiền lương thưởng đều tăng mạnh nên nhân viên cũng cố gắng làm việc, tránh để chậm tiến độ” - anh Ngọc cho hay.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm