Thị trường hàng hóa
Tuy việc tìm kiếm một phòng trọ không quá khó khăn nhưng để tìm được nơi ở trọ phù hợp vẫn là một câu chuyện nan giải. Việc tìm kiếm phòng trọ vẫn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro nếu như sinh viên không đủ tỉnh táo và kinh nghiệm.
Chỉ cần lên mạng gõ cụm từ “tìm phòng trọ”, hàng loạt phòng trọ tại những địa điểm mong muốn tìm kiếm sẽ hiện ra để sinh viên có thể dễ dàng lựa chọn. Các thông tin về giá cả, địa chỉ cùng những lời chào có cánh được đưa ra để thu hút các bạn sinh viên.
Bên cạnh đó, nhiều tờ quảng cáo cho thuê phòng trọ được dán đầy trên các bức tường, bảng tin nhan nhản trên khắp các đường phố. Tuy nhiên, các bạn sinh viên cần tỉnh táo kiểm chứng chất lượng thực sự của phòng trọ để không mắc bẫy lừa đảo.
Thông qua những thông tin cho thuê phòng trọ trên mạng xã hội, Hà Thu Hà (Nam Định), sinh viên năm hai trường Đại học Thương Mại đã phải ngậm ngùi chịu mất tiền cọc và phụ phí từ một phòng trọ tại Quan Hoa (Cầu Giấy) sau khi ở được 4 tháng.
Theo chị Hà, người ký hợp đồng và thu tiền hàng tháng thực chất chỉ là thu hộ giúp cho chủ nhà, chỉ tới khi nhận được thông tin phải chuyển ra khỏi nhà trọ để chủ trọ sửa lại nhà thì Hà và các bạn cùng phòng mới vỡ lẽ.
Chị Hà chia sẻ: “Những ngày được thông báo phải chuyển trọ thì tôi và các bạn cùng phòng đều bận tối mặt, phải mất thêm 3 - 4 ngày đầu tháng sau nữa để kịp thu dọn hết đồ đạc và chuyển đi. Thế nhưng chị thu tiền trọ đã thu thêm tiền phòng và tiền điện từng ngày một, riêng tiền nước và tiền dịch vụ (200.000 đồng mỗi người) thì thu hẳn cả tháng”.
“Với hứa hẹn sẽ bớt tiền sau khi chuyển đi, tuy nhiên khi thu xong tiền chị này đã xóa luôn liên hệ và biến mất. Sinh viên khó khăn đi học xa đã thiếu thốn còn bị lừa lọc. Mong rằng sinh viên, nhất là các sinh viên mới xuống Hà Nội phải tìm hiểu kỹ các phòng trọ trước khi cọc tiền để ở”, chị Hà nói.
Việc thuê phòng trọ cũng tiềm ẩn nhiều điều nguy hiểm nếu như sinh viên không trang bị đủ cho mình kinh nghiệm và cách bảo vệ bản thân trước các thông tin xuất hiện hàng loạt khi muốn tìm thuê trọ.
Nguyễn Quốc Khánh (Nam Định), sinh viên năm nhất trường học viện Tài Chính chia sẻ: “Lúc mới chân ướt chân ráo lên Hà Nội nhập học, mình vào các hội nhóm cho thuê phòng trọ và liên lạc với một tài khoản có tên “Nguyễn Linh”, tài khoản này đăng ảnh cho thuê phòng, tuy nhiên khi tôi hỏi thông tin phòng và hẹn qua xem phòng lại bị đòi cọc tiền trước, tôi không đồng ý thì người này chặn luôn”.
Nhiều câu chuyện “dở khóc dở cười” khi thuê trọ như giá cả phòng trọ chênh lệch so với thỏa thuận, địa chỉ phòng trọ ảo, chủ trọ không đáp ứng đủ các điều khoản trong hợp đồng, lừa đảo cọc phòng trọ khiến cho sinh viên xa nhà rơi vào ma trận phòng trọ bủa vây.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm