Thị trường hàng hóa
Những năm gần đây, Hà Giang nổi lên là điểm đến mới với những nét đặc sắc về cảnh quan tự nhiên, bản sắc văn hóa độc đáo. Sau khi đại dịch Covid-19 cơ bản được phục hồi, hoạt động du lịch Hà Giang cũng có nhiều khởi sắc.
Nhiều giải pháp phục hồi du lịch
Từ một địa phương chưa nhiều người biết đến, những năm gần đây, Hà Giang đã trở thành một cái tên sáng trên bản đồ du lịch với những địa điểm hấp dẫn như Cao nguyên đá Đồng Văn, ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, hẻm vực Tu Sản, đèo Mã Pì Lèng, phố cổ Đồng Văn, cột cờ Lũng Cú, dinh thự Vua Mèo, những vườn hoa tam giác mạch… Đây cũng là vùng đất có gần 20 dân tộc anh em sinh sống, mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa riêng vô cùng độc đáo. Du khách đến đây có thể được hòa mình vào lễ hội Lồng Tồng của dân tộc Tày, lễ mừng nhà mới của dân tộc Lô Lô, lễ hội nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn, được hòa trong tiếng khèn Mông réo rắt, dập dìu...
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ 17 chỉ rõ, một trong ba nhiệm vụ đột phá được tỉnh xác định là “Phát triển du lịch, nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị”. Để thực hiện hiệu quả mục tiêu nhiệm vụ đột phá, trong năm nay, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang đã tập trung tham mưu UBND tỉnh ban hành 5 kế hoạch, tham mưu xây dựng hồ sơ trình HĐND tỉnh 01 Nghị quyết về chính sách hỗ trợ phát triển du lịch.
Đồng thời, chủ động ban hành 5 kế hoạch về phát triển du lịch trong đó tập trung triển khai cụ thể Nghị quyết số 11-NQ/TU về phát triển du lịch Hà Giang giai đoạn 2021-2025 bằng các giải pháp kích cầu du lịch, linh hoạt hiệu quả trong công tác xúc tiến quảng bá du lịch. Từ những biện pháp trên, du lịch Hà Giang đã bước đầu khôi phục trở lại sau đại dịch Covid-19.
Tỉnh cũng tập trung tham mưu tổ chức các hoạt động trong Chương trình du lịch Qua miền di sản Việt Bắc; Lễ đón nhận danh hiệu di sản văn hóa phi vật thể quốc gia chợ Phong Lưu Khâu Vai và Lễ Cầu an của người Giáy, huyện Mèo Vạc; thực hiện các nhiệm vụ phục vụ tái đánh giá Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn lần thứ 3 năm 2022; tổ chức Đại hội thể dục thể thao tỉnh Hà Giang lần thứ IX; tổ chức Lễ hội hoa tam giác mạch tỉnh Hà Giang lần thứ VIII năm 2022…
Tạo sự bền vững cho ngành du lịch, tỉnh Hà Giang quan tâm huy động sự vào cuộc của cả cộng đồng. Toàn tỉnh có 35 làng văn hóa du lịch cộng đồng như: Làng văn hóa thôn Khâu Vai gắn với Lễ hội chợ phong lưu Khâu Vai, Làng văn hóa thôn Sảng Pả A gắn với dệt thổ cẩm của người Lô Lô, Làng Nậm Lương gắn với bảo tồn văn hóa dân tộc Bố Y...
Bằng những giải pháp đó, trong năm 2022, khách du lịch đến Hà Giang ước đạt 2.200.000 lượt khách (đạt 242% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 147% kế hoạch năm 2022), trong đó khách quốc tế khoảng 50.000 lượt, khách nội địa là 2.150.000 lượt người; doanh thu du lịch ước đạt 4.306 tỷ đồng.
Phát triển du lịch bền vững
Từ sự phát triển "nóng" của một số tỉnh khác, Hà Giang xác định sẽ rút kinh nghiệm, khắc phục những tồn tại, có những giải pháp thiết thực, lắng nghe tiếng nói của du khách và doanh nghiệp để giữ được môi trường du lịch lành mạnh, an toàn, bền vững. Trong đó, tỉnh vừa tập trung đầu tư cho du lịch, vừa giữ được sự nguyên sơ của địa chất địa mạo và bản sắc văn hóa.
Địa phương cũng xác định sẽ tổ chức tốt các dịch vụ đáp ứng nhu cầu của du khách với mục tiêu thu hút khách đến đông hơn. Hiện nay, Hà Giang có giải pháp thực hiện trong từng giai đoạn cụ thể để vừa giữ môi trường du lịch, cảnh quan, bản sắc văn hóa để phát triển bền vững và lâu dài. Cụ thể, tỉnh đang phát triển nhiều sản phẩm du lịch mới trên cơ sở làm đến đâu chắc đến đó, đáp ứng nhu cầu của du khách, tránh làm ồ ạt để đảm bảo tính bền vững cao.
Đặc biệt, những năm qua, địa phương luôn tích cực quảng bá, liên kết phát triển du lịch. Hà Giang nằm trong khối liên kết hợp tác của rất nhiều địa phương, đặc biệt là khối liên kết 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và 6 tỉnh Việt Bắc, hợp tác các tỉnh đồng bằng sông Hồng, nhất là với Hà Nội. Hà Giang tham gia nhiều sự kiện kích cầu thúc đẩy phát triển du lịch với vai trò là điểm đến mới, đặc biệt với những thị trường trọng điểm. Trong đó, phối hợp với thành phố Hà Nội tổ chức sự kiện "Không gian văn hóa, du lịch và thương mại tỉnh Hà Giang tại Hà Nội", sự kiện "Sắc màu Sơn La - Tây Bắc" tại không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm, tổ chức xúc tiến quảng bá các chương trình du lịch Hà Giang tại Hà Nội, tổ chức đón các đoàn doanh nghiệp du lịch Hà Nội khảo sát tại Hà Giang... Bên cạnh đó, một số thị trường trọng điểm khác như TP. Hồ Chí Minh hay một số hãng lữ hành lớn cũng được tỉnh chú trọng liên kết, thu hút khách.
Mới đây, tỉnh Hà Giang đã phối hợp với Công ty Du lịch Vietravel xây dựng tour du lịch "Tinh hoa cực Bắc - Sắc hồng Hà Giang" đưa khách tham quan các danh thắng đặc sắc của Hà Giang và thưởng lãm mùa hoa tam giác mạch đang nở rộ. Khách được trải nghiệm du lịch dốc Thẩm Mã, cột cờ Lũng Cú, làng du lịch cộng đồng Lô Lô Chải, đèo Mã Pì Lèng, sông Nho Quế, tham quan các vườn hoa tam giác mạch... Đây là một trong số rất nhiều tour du lịch tỉnh Hà Giang phối hợp với Công ty Du lịch Vietravel khai thác phục vụ khách.
Thời gian tới, tỉnh Hà Giang xác định sẽ tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú, cơ sở kinh doanh tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình kích cầu du lịch tỉnh năm 2022. Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động công tác thông tin, xúc tiến, quảng bá du lịch, ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin vào công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh đất và người Hà Giang đến du khách trong và ngoài nước.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm