Thị trường hàng hóa
Người lớn hứa hẹn với nhau điều gì cần phải thực hiện đúng lời mình đã nói ra. Người lớn hứa với trẻ em lại càng phải giữ lời một cách vô điều kiện. Bố mẹ hứa với con, thầy cô hứa với học trò trong mọi hoàn cảnh chúng ta đều phải giữ lời. Người lớn, nhất lại là những người có địa vị cao lại càng phải giữ đúng lời mình đã cam kết.
Vậy mà, tôi đã thất hứa với con mình. Tuần trước, hai bố con đang cười đùa vui vẻ với nhau, đột nhiên nó ngắm khuôn mặt tôi, rồi nói: “Da bố nhăn nheo rồi, bố già thật rồi!”.
Tôi bảo, vậy thì con phải ăn nhiều cho chóng lớn nếu không bố còn già hơn nữa. Nghe thế, nó liền trả lời, nhưng bố phải hứa với con là tuần sau da của bố sẽ không nhăn nheo nữa. Tôi lặng im một lúc... Sau đó, nhìn vào đôi mắt ngây thơ của nó và hứa.
Thế mà, sau một tuần ở lại KTX về, gặp lại đang ôm chầm lấy nó cười vui vẻ thì nó nhìn chằm chằm vào tôi và bảo bố không giữ lời hứa. Thì ra, càng cười, da mình càng nhăn nheo hơn. Giật mình, già thật rồi! Và buồn hơn là mình đã không giữ được lời hứa với con, không xứng với sự yêu thương của con dành cho mình. Giữ lời hứa cũng là giữ chữ tín. Vậy mà tôi đã khiến con tôi mất niềm tin vào bố.
Có lẽ nhiều người trong số chúng ta còn nhớ đến nhiều câu chuyện cảm động về Bác Hồ, trong đó có câu chuyện giữ lời hứa. Là người bận trăm công, nghìn việc nhưng Bác vẫn luôn giữ lời hứa với mọi người, đặc biệt là với các em nhỏ. Hồi ở Pác Pó, Bác sống rất chan hòa với mọi người.
Một hôm được tin Bác đi công tác xa, một trong những em bé thường ngày quấn quýt bên Bác chạy đến cầm tay Bác thưa: “Bác ơi, Bác đi công tác về nhớ mua cho cháu một chiếc vòng bạc nhé!”. Bác cúi xuống nhìn em bé âu yếm, xoa đầu em khẽ nói: “Cháu ở nhà nhớ ngoan ngoãn, khi nào về, Bác sẽ mua tặng cháu”.
Nói xong Bác vẫy chào mọi người ra đi. Hơn hai năm sau Bác quay trở về, mọi người mừng rỡ ra đón Bác. Ai cũng vui mừng xúm xít hỏi thăm sức khỏe Bác, không một ai còn nhớ đến chuyện năm xưa. Bỗng, Bác mở túi lấy ra một chiếc vòng bạc mới tinh trao tận tay em bé - bây giờ đã là một cô bé.
Cô bé và mọi người cảm động đến rơi nước mắt. Bác nói: “Cháu nó nhờ mua tức là nó thích lắm, mình là người lớn đã hứa thì phải làm được, đó là “chữ tín”. Chúng ta cần phải giữ trọn niềm tin với mọi người”.
Chúng ta phải biết tôn trọng chữ tín bởi nó là nền tảng, hành vi đạo đức từ xưa đến nay:
Nói lời phải giữ lấy lời
Đừng như con bướm đậu rồi lại bay.
Làm thế nào để trở thành một người biết giữ lời hứa? Trước hết, bạn cần sống chân thành, giữ chữ tín. Chỉ hứa khi chắc chắn bản thân có thể thực hiện được. Trên thực tế cảm giác sợ phải gánh trách nhiệm to lớn còn lớn hơn cả lời hứa quan trọng. Vì vậy, phải rất thận trọng khi hứa, cố gắng nghĩ tới các nhân tố đột nhiên phát sinh, để tránh sự việc bất ngờ xảy ra gây trở ngại cho việc thực hiện lời hứa.
Giữ chữ tín là phẩm chất cao quý trong đời sống xã hội cho nên việc bội tín không chỉ làm xấu bản thân mà còn gây tác hại đối với người khác. Ông bà ta có dạy “một lần bất tín, vạn lần bất tin”. Chúng ta phải thực hiện tốt lời mình đã hứa để hoàn thiện nhân cách.
Lòng tin bắt nguồn từ xã hội hướng tới cái thiện, chữ tín trở thành phạm trù đạo đức trong quan hệ ứng xử. Giữ lời hứa vừa thể hiện sự tôn trọng bản thân và tôn trọng người khác. Đức tính tốt đẹp này là yếu tố quan trọng làm nên nhân cách con người.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm