Thị trường hàng hóa
Trong thời đại “nhịp sống 24/7” ngày nay, lượng thanh, thiếu niên ngủ đủ chỉ đạt khoảng 20%. Nghiên cứu y học xác nhận, thiếu ngủ 1 giờ, chức năng não và hiệu suất lao động giảm 30%. Thiếu ngủ không chỉ tiềm ẩn nguy cơ sức khỏe, mà còn thiệt hại kinh tế.
“Ngủ ít = siêng năng”
“Nếu chỉ ngủ 4 giờ, các anh chị sẽ vượt qua kỳ thi. Nếu ngủ tới 5 giờ, các anh chị cầm chắc thất bại”, nhân viên văn phòng người Hàn Quốc, Lee Hyun-woo (27 tuổi) vẫn nhớ như in câu nhắc nhở mà thầy cô luyện thi nào cũng nhấn mạnh thuở chuẩn bị tuyển sinh.
Sợ thi rớt, Hyun-woo bằng mọi cách chống chọi cơn buồn ngủ. Anh cũng tin tưởng, chính nhờ vào sự nỗ lực này mới đậu đại học rồi tốt nghiệp, kiếm được việc làm.
Tất nhiên, Hyun-woo không phải người đầu tiên hay duy nhất đề cao “hy sinh giấc ngủ”. “Tôi làm việc rất nhiều. Với tôi, chuyện họp hành tại nơi làm việc đến 1 – 2 giờ sáng là rất bình thường”, tỷ phú hiện đang giữ vị trí người giàu nhất thế giới - Elon Musk (1971) tự hào.
“Có những thời điểm, tôi chỉ ngủ vài giờ một ngày và làm việc suốt 7 ngày/tuần. Tôi thấy, chỉ cần ngủ 6 giờ/ngày là quá đủ. Nếu cứ cật lực làm việc tới 120 giờ/tuần, bạn kiểu gì chẳng giàu lên”, Musk nói tiếp.
Từ lâu, ở cả phương Đông lẫn trời Tây, say mê và cần mẫn làm việc đến bỏ ngủ luôn là tác phong được đánh giá cao. Người Việt cũng có câu ca dao, “Đời người ngắn tựa gang tay. Ai hay ngủ ngày còn được nửa gang”. Chúng ta ca ngợi “con ong, cái kiến” vì sự siêng năng và chê bai “con thỏ, cái ve” vì thói lười làm.
Có điều, theo khuyến cáo sức khỏe, ngủ ít không bao giờ là có lợi. Trẻ em dưới 13 tuổi cần được ngủ từ 9 – 11 giờ/ngày, người trưởng thành thì 7 – 9 giờ. Thanh, thiếu niên, lứa tuổi phải “bớt ngủ hôm nay vì hạnh phúc ngày mai” thì cần 8 – 10 giờ.
Thiếu ngủ toàn cầu
Năm 2007, Mỹ báo cáo chỉ có 31% thanh, thiếu niên ngủ đủ tiêu chuẩn. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này không phải “thiếu ngủ = siêng năng”, mà là… ham chơi. Sự phát triển của truyền hình, kỹ thuật số, trò chơi điện tử… tước đoạt thời gian ngủ của giới trẻ, biến họ thành “cú đêm”.
Năm 2019, trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, Mỹ báo cáo tình trạng mất ngủ ở thanh thiếu niên trầm trọng hơn nữa. Lượng giới trẻ ngủ đủ thấp hơn bao giờ hết, chỉ đạt 22%.
Thống kê chất lượng giấc ngủ học sinh ở 9 thành phố lớn của Trung Quốc chỉ ra, 71,4% thiếu ngủ. Tại Nhật Bản, tỷ lệ thanh niên thuộc độ tuổi 20 không ngủ đủ giấc lên đến 92,6%. Ngay cả trong quốc gia có chất lượng ngủ hàng đầu như Úc, tỷ lệ thanh thiếu niên thiếu ngủ cũng chiếm 48,8%.
Có 2 kiểu thiếu ngủ: Tự nguyện và hoàn cảnh ép buộc. Trường hợp của Hyun-woo là tự nguyện. Còn trường hợp y tá Kim Yu-ri (38 tuổi) cùng quốc gia thì khác. Ngày nhỏ, Yu-ri phải hạn chế ngủ để lấy thời gian học bài. Trước khi kết hôn, chị bận rộn làm việc 3 ca/ngày trong bệnh viện.
Sau khi kết hôn, Yu-ri lần lượt sinh 2 con trong vòng 3 năm và vẫn tiếp tục đi làm. Hiện, chị sống tại Yongin (Gyeonggi), nhưng xin việc tận Jamsil (Seoul). Chỉ nội thời gian đi từ nhà đến nơi làm việc và trở về cũng mất 2 giờ/ngày.
“Tôi thèm được ngủ 7 giờ/đêm nhưng chẳng có hôm nào thỏa nguyện cả”, Yu-ri than thở.
Tác hại khôn lường
Ngày nay, thế giới là môi trường hoàn hảo cho bất cứ ai yêu lối sống 24/7. Ở hầu hết các thành phố, dịch vụ và hàng quán sẵn sàng phục vụ thâu đêm suốt sáng. Chỉ riêng tại Hàn Quốc, đất nước chưa tới 52 triệu dân, số lượng quán cà phê đã là 83.363. Trung bình, công dân Hàn Quốc tiêu thụ 353 tách cà phê/năm.
“Xin hãy nhớ, chỉ có một số ít người sở hữu gen đặc biệt mới không cần ngủ đến 8 giờ/ngày”, nhà khoa học thần kinh Matthew Walker (Anh), tác giả cuốn sách Tại sao ta ngủ (Why We Sleep) nổi tiếng toàn cầu, nhấn mạnh. Theo nghiên cứu y khoa, thiếu ngủ là một trong các tác nhân chính dẫn đến các bệnh nguy hiểm như trầm cảm, mất trí nhớ, suy giảm tim mạch…
“Hiện, đã có nhiều bằng chứng cho thấy, thiếu ngủ ở tuổi thanh, thiếu niên gây tăng nguy cơ mất trí nhớ khi về già”, nhà thần kinh học Russell Foster (Anh) cảnh báo. Nhiều người nghĩ “đêm nay phải thức thì ngày mai ngủ bù là ổn”, nhưng thực tế hoàn toàn trái ngược. 97% mọi người không thích nghi “làm/chơi đêm, ngủ ngày”.
Nghiêm trọng nhất, thiếu ngủ kinh niên sẽ hình thành thói quen ngủ ít, dẫn đến mắc bệnh mất ngủ. Năm 2021, lượng bệnh nhân mất ngủ ở Hàn Quốc lên tới 720 nghìn người, tăng 420 nghìn so với năm 2014.
“Thiếu ngủ 1 giờ, chức năng não và hiệu suất lao động giảm 30%. Nếu quy ra tiền, giá trị của giấc ngủ có thể lên tới hàng nghìn tỷ won”, bác sĩ Han Jin-kyu (Hàn Quốc) lên tiếng. Nói cách khác, mất mát giấc ngủ đồng nghĩa với thiệt hại kinh tế.
Duy nhất một lĩnh vực “phất lên” nhờ mất ngủ: Thị trường hỗ trợ giấc ngủ (chăn ga gối đệm, dầu thơm, thực phẩm chức năng…). Cũng tại Hàn Quốc, chỉ trong năm 2021, “chợ” này đạt doanh thu 3 nghìn tỷ won (hơn 600 nghìn tỷ đồng), gấp 6,25 lần năm 2011 (480 tỷ won).
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm