Thị trường hàng hóa
Hiện tại, thời tiết những ngày cuối tháng 6 được đánh giá là cực kỳ thuận lợi cho việc ra khơi khai thác thủy hải sản. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, tại cảng cá Quy Nhơn, hầu hết các tàu cá đều nằm bờ.
Sau 6 tháng nằm bờ, tàu cá trên 700 CV do thuyền trưởng Phạm Tánh, phường Tam Quan Nam, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định ra khơi chuyến đầu tiên. Sau khi cập bến trở về, tàu đánh bắt được hơn 20 tấn cá ngừ sọc dưa bán cho tư thương. Thế nhưng, sau khi trừ các chi phí vật tư, phí tổn cho chuyến tàu, anh Tánh cho biết: Giá bán cá không tăng, tiền thu về chẳng được bao nhiêu nên chuyến tàu của anh thua lỗ nặng.
Nhiều chủ tàu cũng quyết tâm ra khơi hi vọng có thể đánh bắt được sản lượng cá lớn để bù vào phí tổn. Tuy nhiên, không ít người vẫn nơm nớp lo sợ, nếu không trúng cá mà thời gian bám biển kéo dài sẽ khiến chủ tàu thua lỗ, gánh nặng nợ nần ngày càng lớn. Anh Võ Văn Toàn - Chủ tàu trú tại xã Hoài Thanh, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định chia sẻ: "Làm nghề mấy chục năm nhưng giá xăng tăng cao quá, thuyền của anh cũng đành nằm bờ. Nhiều thuyền viên còn phải vay tiền ăn qua ngày".
Ông Phạm Anh Dũng, Phó Giám đốc Cảng cá Bình Định cho biết: Thống kê cho thấy, từ đầu năm 2022 đến nay, hầu hết các tàu cá đều nằm bờ. Số lượng tàu ra vào chỉ đạt 65%, hàng hóa thông cảng chỉ đạt 75% so với cùng kỳ năm ngoái.
Phân tích từ các chuyên gia cho thấy, mỗi tháng, hoạt động khai thác thủy hải sản sẽ tiêu thụ khoảng 330 triệu lít xăng, dầu. Trong đó, chỉ riêng 6 tháng đầu năm, giá dầu diesel 0.05S - nhiên liệu chính cho tàu khai thác thủy sản đã tăng 65% so với tháng 12/2021. Với mức giá nhiên liệu hiện tại, nếu hoạt động khai thác diễn ra bình thường thì chi phí nhiên liệu sẽ tăng thêm 3.776 tỷ đồng/tháng.
Trong khi giá nhiên liệu tăng 35 - 48% nhưng giá thủy hải sản lại tăng không đáng kể. Điều này khiến cho nhiều chủ tàu ngậm ngùi để tàu nằm bờ. Tàu cá nằm bờ nguyên nhân chính là do sức ép từ giá xăng dầu. Giá xăng dầu tăng quá cao trong khi giá bán thủy sản lại chỉ tăng nhẹ hoặc không tăng. Điều này khiến cho các chủ tàu sau mỗi chuyến đi biển về lại thêm gánh nặng nợ nần. Bám biển hay nằm bờ đều là lựa chọn khó khăn đối với ngư dân ở thời điểm hiện tại.
Thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện tại đã có khoảng 40 - 55% tàu cá ngừng hoạt động. Đa số là các tàu cá tiêu thụ nhiều năng lượng như tàu lưới kéo, nghề rê,... Trung bình, nếu một tàu cá ra khơi có thể mang về thu nhập cho 5 - 7 ngư dân. Tuy nhiên, với số lượng tàu cá nằm bờ hiện tại, hàng trăm nghìn ngư dân thất nghiệp, không có thu nhập. Chưa kể, các nhà máy chế biến thủy hải sản cũng gặp khó trong việc tìm kiếm nguồn hàng chế biến. Việc các tàu đánh bắt cá không hiện diện thường xuyên trên biển cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chủ quyền biển đảo của nước nhà.
Trước thực trạng trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã gửi văn bản khẩn đến các bộ: Công Thương, Lao động, Thương binh và Xã hội đề nghị có biện pháp hỗ trợ ngư dân trong thời điểm hiện tại. Theo công văn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành khai thác thủy sản có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế của cả nước. Chỉ riêng năm 2021, sản lượng khai thác hải sản đạt 3,92 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu hải sản đạt 3,435 tỷ USD.
Không chỉ đóng góp tích cực vào nền kinh tế nước nhà, ngành khai thác thủy sản còn giải quyết việc làm, mang về thu nhập cho hàng triệu lao động. Hơn 600.000 ngư dân có thu nhập trực tiếp, tạo việc làm cho gần 4 triệu lao động làm các nghề dịch vụ thủy sản ven biển. Chưa kể, sự có mặt của đội tàu cá khai thác trên biển còn góp phần đảm bảo chủ quyền biển đảo của đất nước.
Để nhanh chóng giải quyết những khó khăn, kịp thời hỗ trợ cho ngư dân đảm bảo đời sống cho ngư dân an tâm sản xuất, bám biển, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Bộ Công Thương và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét, đề xuất Chính phủ có chính sách hỗ trợ về an sinh xã hội cho thuyền viên tàu cá. Đồng thời hỗ trợ trong vòng 6 tháng đối với các thuyền viên làm việc cho tàu dừng sản xuất. Được biết, mức hỗ trợ sẽ tính theo mức lương tối thiểu của từng vùng, áp dụng đối với người lao động quy định tại Nghị định số 90/2019/NĐ-CP ngày 15.11.2019 của Chính phủ.
Hy vọng rằng với giải pháp tích cực từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có thể giúp gỡ khó cho ngư dân trong tình hình hiện tại.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm
Business Networking
Mạng lưới kết nối của Trí Tuệ Mới