Thị trường hàng hóa
Giá dầu thế giới được ghi nhận vào sáng ngày 27/11 (theo giờ Việt Nam) cụ thể như sau: Dầu thô WTI của Mỹ giảm 3,07 USD, xuống còn 76,39 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent giảm 2,55 USD, xuống 83,95 USD/thùng.
Giá dầu giảm 2% do thanh khoản thị trường thấp, khép lại một tuần được đánh dấu bằng những lo ngại về nhu cầu của Trung Quốc và mặc cả về mức giá trần của phương Tây đối với dầu của Nga.
Cả hai hợp đồng đều có tuần giảm thứ ba liên tiếp sau khi chạm mức thấp nhất trong 10 tháng trong tuần này. Brent kết thúc tuần giảm 4,6%, trong khi WTI giảm 4,7%.
Cấu trúc thị trường dầu Brent và WTI cho thấy, nhu cầu hiện tại đang suy yếu rõ rệt trong các phiên gần đây. Đối với biên độ hai tháng, cấu trúc của Brent và WTI thậm chí còn rơi vào tình trạng bù hoãn mua trong tuần này, ngụ ý cung vượt cầu với các hợp đồng giao hàng ngắn hạn có giá thấp hơn các đợt giao hàng sau.
ANZ lưu ý, tình trạng bùng phát COVID-19 trở lại tại Trung Quốc - nhà nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới đang bắt đầu ảnh hưởng đến nhu cầu nhiên liệu, với lưu lượng giao thông giảm và có nghĩa là nhu cầu dầu thấp hơn khoảng 1 triệu thùng mỗi ngày so với mức trung bình.
Trong khi đó, các nhà ngoại giao G7 và Liên minh châu Âu đã thảo luận về mức trần giá dầu của Nga trong khoảng từ 65 đến 70 USD/thùng, nhưng vẫn chưa đạt được thỏa thuận.
Ba Lan đang tìm kiếm sự hỗ trợ của Đức để giảm bớt các lệnh trừng phạt của EU đối với phần Ba Lan-Đức tại đường ống dẫn dầu thô Druzhba để Warsaw có thể từ bỏ thỏa thuận mua dầu của Nga vào năm tới mà không phải trả tiền phạt, 2 nguồn tin cho biết.
Giao dịch dự kiến sẽ vẫn thận trọng trước một thỏa thuận về trần giá, sẽ có hiệu lực vào ngày 5/12 khi lệnh cấm của EU đối với dầu thô của Nga bắt đầu, và trước cuộc họp tiếp theo của OPEC+ vào ngày 4/12.
Ý tưởng về mức trần giá đối với dầu Nga là cấm các công ty vận chuyển, bảo hiểm và tái bảo hiểm xử lý các lô hàng dầu thô của Nga trên toàn cầu, trừ khi bán với giá thấp hơn giá do nhóm G7 và các đối tác đặt ra.
Bởi vì các công ty vận chuyển và bảo hiểm quan trọng của thế giới có trụ sở tại các nước G7, nên mức giá trần sẽ khiến Moscow rất khó bán dầu - mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của nước này, chiếm khoảng 10% nguồn cung thế giới - với giá cao hơn.
Ba Lan, Estonia và Litva đang thúc đẩy mức trần thấp hơn nhiều so với mức 65-70 USD/thùng do G7 đề xuất, trong khi Hy Lạp, Síp và Malta vận động để có mức trần cao hơn, hoặc một số hình thức bồi thường cho tổn thất kinh doanh dự kiến đối với lĩnh vực vận chuyển của các công ty.
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước sáng ngày 27/11 được áp dụng theo phiên điều chỉnh ngày 21/11 của Liên Bộ Tài chính – Bộ Công Thương:
Cụ thể, giá xăng E5 RON 92 được điều chỉnh giảm 40 đồng/lít, còn 22.670 đồng/lít; xăng RON 95 giảm 80 đồng/lít, còn 23.780 đồng/lít. Giá dầu hỏa giảm xuống 24.640 đồng/lít; dầu diesel giảm xuống 24.800 đồng/lít; dầu mazut tăng nhẹ lên 14.780 đồng/kg. Như vậy, giá xăng dầu đã quay đầu giảm sau 4 lần tăng liên tiếp.
Liên bộ ngừng chi quỹ bình ổn giá, đồng thời trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu với xăng E5 RON 92 ở mức 250 đồng/lít, xăng RON 95 ở mức 200 đồng/lít, dầu diesel, dầu mazut 300 đồng/lít (kg).
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm