Thị trường hàng hóa
Trên thị trường thế giới, giá khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) giao ngay tại châu Á ít biến động trong tuần này do Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn được cung cấp nguồn cung tốt, ít nhất cho đến tháng 10. Trong khi đó, thị trường đang chờ đợi tín hiệu về nhu cầu nhiên liệu của Trung Quốc phục hồi.
Tại châu Âu, dự trữ khí đốt tại các cơ sở lưu trữ đang tiệm cận mức tối đa. Hiện đã đầy hơn 85%. Trước đó, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã cam kết lấp đầy ít nhất 80% các cơ sở lưu trữ vào mùa đông 2022 - 2023 và đạt 90% vào các mùa đông tiếp theo.
Ủy ban châu Âu đang nghiên cứu nhiều biện pháp hơn để kiềm chế giá khí đốt cao “ngất ngưởng” và hỗ trợ các công ty năng lượng đang đối mặt với tình trạng suy giảm thanh khoản. Việc nhập khẩu khí đốt hoá lỏng (LNG) được đẩy mạnh cũng giúp cải thiện nguồn cung. Cảng LNG Eemshaven mới đi vào hoạt động giúp tăng khả năng nhập khẩu LNG của châu Âu.
Theo ông Hans van Cleef - nhà kinh tế năng lượng cấp cao tại ABN Amro cho biết, châu Âu đã chuẩn bị tốt nhất có thể cho nhu cầu mùa đông sắp tới. Tuy nhiên, nhiều điều chưa chắc chắn vẫn còn tồn tại, không chỉ liên quan đến dòng khí đốt còn lại của Nga hướng tới châu Âu, mà còn liệu dòng LNG hiện tại có thể được duy trì hay không và khi nào thời tiết lạnh hơn bắt đầu xuất hiện ở châu Á.
Một mùa Đông lạnh giá ở châu Âu có thể đẩy giá khí đốt tăng trở lại mức cao kỷ lục. “Thị trường khí đốt châu Âu vẫn cực kỳ bấp bênh khi mùa đông đến mỗi lúc một gần” - báo cáo của Timera Energy nhận định.
Ở một diễn biến khác, bà Ryhana Rasidi, Nhà Phân tích Khí đốt và LNG của Công ty phân tích và dữ liệu Kpler tại Mỹ cho hay, sản xuất khí đốt trong nước mạnh mẽ đang giúp cải thiện nguồn cung trên thị trường nội địa.
Trong một báo cáo, khối lượng xuất khẩu LNG của Mỹ đã giảm xuống còn 9,4 bcf/ngày trong tháng 8, từ mức gần 12 bcfd vào đầu năm nay. Điều này cũng đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc giao hàng ở châu Âu, đồng thời nguy cơ xảy ra các sự kiện bất thường bao gồm bão hoặc mùa đông đóng băng làm tăng sự lo lắng của thị trường trước mùa đông.
Ở thị trường trong nước, giá gas bán lẻ từ ngày 1/9 tiếp tục giảm tháng thứ năm liên tiếp; trong đó, bình 12 kg giảm xoanh quanh mức 7.000 đồng/bình tùy từng công ty.
Trong đó, giá gas bình Petrolimex bán lẻ (đã bao gồm VAT) tháng 9/2022 tại thị trường Hà Nội là 423.100 đồng/bình dân dụng 12 kg; 1.692.300 đồng/bình công nghiệp 48kg, lần lượt giảm 7.300 đồng/bình 12 kg và 29.000 đồng/bình 48 kg (đã bao gồm VAT).
Tương tự, tại Công ty Cổ phần Kinh doanh khí Miền Nam (Gas South), mỗi bình gas bán lẻ giảm 7.000 đồng/bình 12kg và giảm 26.000 đồng/bình 45kg từ 1/9.
Cụ thể, giá gas bán lẻ đến tay người tiêu dùng không vượt quá 426.900 đồng/bình 12kg và 1.601.736 đồng/bình 45kg cho các sản phẩm thương hiệu Gas South như: Gas Dầu Khí; VT Gas; A Gas; Đặng Phước Gas; Đak Gas; JP Gas.
Theo Tổng Công ty Gas Petrolimex, nguyên nhân giảm giá lần này do hợp đồng giá gas thế giới bình quân tháng 9 ở mức 640 USD/tấn, giảm 25 USD/tấn so với tháng trước đó nên Tổng Công ty thực hiện điều chỉnh theo mức giảm tương ứng.
Còn theo Chi hội Gas miền Nam, giá hợp đồng nhập khẩu (CP) trên thế giới được ấn định cho tháng 9 là 640 USD/tấn, giảm 25 USD/tấn so với tháng trước đó, dẫn đến giá gas bán lẻ trong nước tiếp tục hạ nhiệt.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm