Thị trường hàng hóa
Dữ liệu mới nhất được tổng hợp bởi Gas Infrastructure Europe cho biết các kho chứa khí đốt ở châu Âu đã đầy 94%, trong khi mức dự trữ khí đốt của Đức gần 100%.
Châu Âu đã phải vật lộn để chuẩn bị một kế hoạch cụ thể nhằm loại bỏ nguồn cung cấp khí đốt của Nga và hạn chế doanh thu của Nga từ các sản phẩm năng lượng của mình. Tuy nhiên, nếu không có khí đốt của Nga, việc lấp đầy kho khí đốt của châu Âu sẽ không dễ dàng như vậy trong năm 2023.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (EIA) cũng cho rằng, châu Âu cần phải hành động ngay để tránh tình trạng thiếu khí đốt tự nhiên trong năm tới. Cụ thể, trong báo cáo mới về tương lai của thị trường năng lượng, IEA dự báo về tình trạng thiếu khí đốt vào mùa đông 2023-2024 vì các nước Châu Âu có thể không nạp đầy các cơ sở lưu trữ trong những tháng mùa hè.
IEA giải thích, việc bổ sung dự trữ trong năm nay được hưởng lợi từ các yếu tố có thể không lặp lại vào năm 2023. Chẳng hạn, trong năm nay, nguồn cung khí đốt qua đường ống của Nga vẫn gần với mức cũ trong phần lớn nửa đầu năm mặc dù đã giảm dần do các lệnh trừng phạt và những khó khăn về kỹ thuật.
Bị cắt khỏi nguồn cung khí đốt từ Nga, các nước châu Âu đã chuyển sang thị trường giao ngay. Với việc giá tăng cao, một số nhà cung cấp năng lượng cho Nam Á đã hủy bỏ việc giao hàng theo lịch trình dài để có lợi nhuận tốt hơn ở thị trường giao ngay cho châu Âu.
Được biết, châu Âu cũng đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng các cảng nổi để dễ dàng vận chuyển nhiên liệu trong tương lai. Theo Bloomberg, nhu cầu về khí đốt tự nhiên của châu Âu dự kiến sẽ tăng gần 60% cho đến năm 2026.
Trong một diễn biến khác, mới đây, Bộ Ngoại giao Nga cho hay, nước này sẽ công bố kế hoạch về các hợp đồng khí đốt với Thổ Nhĩ Kỳ tại cuộc họp G20 ở Indonesia vào tuần tới.
Bộ Ngoại giao Nga cũng đề cập đến các sáng kiến cụ thể đã được lên kế hoạch, bao gồm “tăng cường hợp tác khí đốt với Thổ Nhĩ Kỳ” dưới hình thức một trung tâm khí đốt ở quốc gia Trung Đông, cũng như tổ chức các chuyến hàng ngũ cốc và phân bón lớn. Sau đó, khí đốt sẽ được bán ở thị trường châu Âu.
Trước đó, vào tháng 10, Tổng thống Nga Vladimir Putin - người sẽ không tham dự cuộc họp G20 - đã gợi ý rằng Nga có thể chuyển hướng nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên ban đầu được dự định chuyển qua các đường ống Nord Stream đến Biển Đen, cũng như tạo ra một trung tâm khí đốt ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Tại thị trường trong nước, sau 6 tháng liên tiếp giảm giá, giá gas đã đảo chiều tăng từ ngày 1/11 với mức tăng 20.000 - 21.000 đồng mỗi bình 12kg.
Cụ thể, Công ty TNHH một thành viên Dầu khí thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Petro) cho biết từ ngày 1/11, giá bán gas SP tăng 1.667 đồng/kg (đã bao gồm VAT), tương đương mức tăng 20.000 đồng bình gas 12kg. Theo đó, giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng loại bình gas 12kg thương hiệu này là 425.000 đồng.
Công ty cổ phần kinh doanh LPG Việt Nam - PV Gas LPG miền Nam cho hay, giá bán PetroVietnam Gas sẽ tăng 1.750 đồng/kg, tương đương mức tăng 21.000 đồng bình 12kg và 78.750 đồng với bình 45kg so với tháng 10.
Các sản phẩm gas bán lẻ của thương hiệu City Petro cũng tăng 21.000 đồng bình 12kg và bình 45kg tăng thêm 79.000 đồng.
Theo Chi hội Gas miền Nam, giá hợp đồng nhập khẩu (CP) trên thế giới được ấn định cho tháng 11 là 610 USD/tấn, tăng 35 USD/tấn so với tháng trước đó khiến giá gas bán lẻ trong nước tăng mạnh.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm