Thị trường hàng hóa
Trong tuần đầu tiên của tháng 5, các mặt hàng nhiên liệu thiết yếu đã có những biến động trái chiều, trong khi giá dầu mạnh, thì giá điện, giá gas lại tăng.
Cụ thể, theo thông báo của Liên Bộ Tài chính - Công Thương, ngày 4/5, giá xăng trong nước đồng loạt giảm 1.250 đồng/lít - 1.310 đồng/lít, tùy loại. Điều này đã giúp giá xăng giảm còn 21.430 đồng/lít đối với xăng E5-RON92 và 22.320 đồng/lít đối với xăng RON95.
Tương tự, giá dầu cũng được điều chỉnh giảm trong đợt điều hành này. Cụ thể, giá dầu diesel giảm 1.140 đồng còn 18.260 đồng/lít, giá dầu hỏa giảm 960 đồng còn 18.520 đồng/lít.
Trái ngược với đà giảm của xăng dầu, từ đầu tháng 5/2023, giá gas trong nước lại tăng. Thông báo của một số doanh nghiệp mặt hàng này thông báo, từ 1/5, giá gas sẽ tăng thêm 2.000 đồng/bình 12kg và 8.000 đồng/bình 50kg.
Sau khi tăng giá, giá gas bán lẻ của Công ty Cổ phần Thương mại dầu khí Thái Bình Dương lần lượt là 438.500 đồng/bình 12 kg và 1.826. 000 đồng/bình 50 kg.
Trong khi đó, giá bán lẻ đến người tiêu dùng của Công ty Cổ phần kinh doanh gas LPG Việt Nam sẽ là 419.912 đồng/bình 12kg và 1.575.170 đồng/bình 45kg.
Theo các công ty gas, do giá gas thế giới tháng 4 chốt 555 USD/tấn, tăng 5 USD/tấn so với tháng trước nên các công ty điều chỉnh tăng theo.
Các doanh nghiệp mặt hàng này cho rằng, mức tăng như trên là “nhẹ”, bởi lẽ từ đầu năm tới nay, giá gas đã 3 lần giảm liên tiếp, tổng mức giảm lên tới 97.000-101.000 đồng/bình 12kg.
Cùng chiều tăng giá với gas, đó là điện. Theo thông báo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), từ 4/5, giá điện sẽ tăng thêm 3%. Như vậy, giá bán lẻ điện bình quân là 1.920,3732 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng).
Một số ý kiến quan ngại, việc một số sản phẩm nhiên liệu thiết yếu cho đời sống và sản xuất tăng giá trong giai đoạn này sẽ tạo áp lực không hề nhỏ đối với công tác kiểm soát lạm phát.
Thực tế cho thấy, từ đầu năm tới hết tháng 4/2023, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đang có chiều hướng gia tăng, lạm phát cơ bản đang có nguy cơ vượt qua ngưỡng 4%, mục tiêu mà Quốc hội, Chính phủ đề ra.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê (GSO), CPI 4 tháng đầu năm 2023 tăng 3,84% so với cùng kỳ năm 2022. Một trong những yếu tố khiến CPI tăng đó là giá điện sinh hoạt tăng 2,39% do nhu cầu sử dụng điện dịp Tết Nguyên đán tăng, tác động làm CPI tăng 0,08%.
Bình quân 4 tháng đầu năm 2023, lạm phát cơ bản tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,84%).
Liên quan tới vấn đề tăng giá điện, ông Nguyễn Xuân Nam, Phó Tổng giám đốc EVN cho biết: Về tác động lên chỉ số giá tiêu dùng (CPI), theo tính toán của Tổng cục Thống kê, nếu giá điện tăng 10% sẽ tác động vào CPI là 0,33 điểm phần trăm, 5% sẽ tác động vào CPI là 0,17% thì việc tăng 3% sẽ thấp hơn.
Nhận xét về mức tăng giá điện lần này, TS Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), cho rằng mức tăng giá điện 3% là thấp, dẫu vậy, việc điều chỉnh này cũng có những tác động nhất định đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI).
Mức tăng giá bán lẻ bình quân 3% sẽ làm tăng chỉ số giá tiêu dùng vòng 1 trực tiếp là 0,099% và vòng 2 tăng 0,18%. Nếu tính tác động tới giá thành các nhà sản xuất dùng điện nhiều như với sản xuất thép, giá thành tăng 0,18%; giá thành sản xuất xi măng tăng 0,45%; giá thành sản xuất giấy tăng 0,4%.
Đối với 25 triệu hộ tiêu dùng điện hiện nay, với mức bình quân dùng 200 kW/tháng sẽ chịu mức tăng 12.000 đồng/tháng. Điều này đòi hỏi Nhà nước cần có chính sách tổng thể bình ổn mặt bằng giá khi giá điện tăng.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm