Tác phẩm 'Chí Phèo' của nhà văn Nam Cao không chỉ là một phần kí ức của biết bao thế hệ học sinh Việt Nam… Đặc biệt, đối với môn Ngữ Văn trong chương trình giáo dục thì đây là một tác phẩm bất hủ, là nguồn cảm hứng của bao nhà văn, nhà thơ, đạo diễn đưa vào tác phẩm của chính mình.
Dẫu vậy, ít người biết tác phẩm 'Chí Phèo' gắn liền quan Chánh Tổng Bá Kiến tưởng chừng như hư cấu nhưng thực chất ở hiện tại vẫn sót lại những di tích lịch sử có thật. Cùng phóng viên Báo Nhà báo và Công luận khám phá căn nhà của Bá Kiến trong tác phẩm Chí Phèo của nhà văn Nam Cao qua hình ảnh dưới đây.
Nhân vật Bá Kiến thời đó giữ chức vụ Chánh Tổng - Chức vụ cao nhất của đơn vị hành chính cấp huyện. Tại ngôi nhà Bá Kiến thời đó đã xảy ra nhiều mâu thuẫn đưa đến cao trào của tác phẩm được xây dựng dựa trên một nguyên mẫu có thật - Ảnh: Đình Trung
Theo PV tìm hiểu, căn nhà của Chánh tổng Bá Kiến nằm trên một khu đất rộng khoảng 1.000m2, ngày xưa nơi đây gọi là làng Đại Hoàng, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân (tỉnh Hà Nam), còn nay được biết đến với cái tên làng Vũ Đại - Ảnh: Đình Trung
Theo vị trí địa lý, căn nhà của Bá Kiến cách TP Phủ Lý chừng 40km. Theo người dân nơi đây kể lại, ngôi nhà của quan Chánh Tổng Bá Kiến được xây vào năm 1910 (thế kỷ XX) dưới bàn tay của hơn 20 người thợ mộc ở Phủ Lý Nhân trong vòng 1 năm. Chủ nhân đầu tiên của căn nhà này là cụ Trần Duy Hạnh - một thương lái giàu có nức tiếng trong vùng - Ảnh: Đình Trung
Đến thời điểm hiện tại căn nhà đã có lịch sử hơn 100 năm. Theo chia sẻ người dân làng Vũ Đại (tên cũ), ngôi nhà của Bá Kiến được xây theo nét kiến trúc đậm chất Bắc Bộ với 3 gian truyền thống (gồm 4 hàng cột và 16 cây cột lim). Thời điểm đó, căn nhà của Chánh Tổng Bá Kiến có thể coi là một công trình kiến trúc "độc nhất vô nhị". Theo quan sát, tất cả mọi thứ trong căn nhà này đều làm bằng gỗ lim, họa tiết khắc chữ nho, rồng phượng thể hiện sự uy nghiêm, quyền lực - Ảnh: Đình Trung
Toàn bộ gỗ gồm cột, kèo, hàng mành trước cửa đều được làm bằng gỗ lim đắt đỏ - Ảnh: Đình Trung
Hầu hết chi tiết được các thợ mộc ngày xưa chế tạo rất tinh xảo, đẹp mắt, những thanh gỗ lim đều tăm tắp cho thấy được sự công phu, tỉ mỉ đến nhường nào - Ảnh: Đình Trung
Trải qua hơn 100 năm nhưng ở hiện tại, hàng cửa bằng gỗ lim, hàng cột trụ xung quanh vẫn còn giữ nguyên được sự chắc chắn và chưa có dấu hiệu mục nát - Ảnh: Đình Trung
Khu vực bể nước ngày xưa Chánh Tổng Bá Kiến thường dùng vẫn được giữ nguyên vẹn - Ảnh: Đình Trung
Khu vực bể nước sau của nhà quan Chánh Tổng Bá Kiến - Ảnh: Đình Trung
Phần mái ngói ta của căn nhà chưa từng bị dột hay tu sửa lần nào - Ảnh: Đình Trung
Cô Trần Thị Ngà (56 tuổi), người dân trông coi căn nhà Bá Kiến cho biết: “Ở thời kỳ hoàng kim nhất, ngôi nhà có đầy đủ các món đồ như câu đối đỏ, tấm hoành phi, tranh rồng phượng… Nhưng trải qua hàng trăm năm ngôi nhà truyền tay nhiều đời chủ mà những đồ vật ấy bị bán dần, mai một. Thậm chí, từng có thời điểm căn nhà này suýt bị ‘khai tử’, may mắn sau đó chính quyền vào căn ngăn kịp thời mới giữa được” - Ảnh: Đình Trung
Bởi vậy, mà căn nhà của Chánh Tổng Bá Kiến được gìn giữ đến hiện tại và trở thành một địa điểm lịch sử thu hút số đông du khách trong và ngoài nước tới tham quan, khắm phá về ngôi nhà mang nét kiến trúc đậm chất Bắc Bộ - Ảnh: Đình Trung
Ngoài việc khám phá nét kiến trúc của ngôi nhà Bá Kiến niên đại hơn 100 trăm năm, du khách còn có thể khám phá món cá kho làng Vũ Đại, được tận mắt trông thấy người dân nơi đây chế biến những nồi cá thơm ngon, nổi tiếng khắp cả nước - Ảnh: Đình Trung