Thị trường hàng hóa
"Trong vòng 7 tiếng từ khi cất cánh đến khi hạ cánh, 2,92 triệu người đã theo dõi ít nhất một phần chuyến bay SPAR19, với 708.000 người xem cùng lúc khi hạ cánh tối 2/8", Flightradar24 thông báo trên Twitter. SPAR19 là số hiệu chuyến bay chở Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi rời Kuala Lumpur đến Đài Loan tối 2/8.
SPAR19 trở thành chuyến bay được nhiều người theo dõi nhất trong lịch sử kể từ khi website Flightradar24 ra đời. Trước đó, cuối tháng 2, hành trình của máy bay do thám Global Hawk số hiệu Forte12 của Mỹ cũng thu hút 60.000 lượt xem.
Dữ liệu theo dõi chuyến bay gần như không có độ trễ, mang lại cảm giác chân thực hơn bao giờ hết. “Với Flightradar24, bạn có thể theo dõi hành trình bay của những diễn viên, ca sĩ hay chính khách nổi tiếng thế giới”, Ian Petchenik - người đứng đầu bộ phận truyền thông của Flightradar24, cho biết.
Ngoài các sự kiện mang tính toàn cầu, Flightradar24 còn hỗ trợ người hâm mộ bóng đá theo dõi sát sao động tĩnh của các phi vụ chuyển nhượng. Với ứng dụng, fan phần nào có thể nhận biết được bến đỗ tiếp theo của cầu thủ mình đang quan tâm.
Trên thế giới, hiện có hàng triệu website chuyên theo dõi chuyến bay. Tuy nhiên, hầu hết chúng có độ trễ nhất định về thời gian, kể cả đối với website của hãng bay do sử dụng công nghệ radar cũ và độ chính xác không cao.
Nguyên nhân khác là do nhân viên cập nhật trạng thái không kịp thời, thậm chí nhiều trường hợp nhập thủ công nên thiếu chính xác. Chẳng hạn, một chuyến bay trên website có thể ở trạng thái "đã khởi hành", nhưng thực tế vẫn nằm trên mặt đất do phải xếp hàng đợi bay. Vào giờ cao điểm, thời gian chênh lệch có thể tới 40 phút.
Ứng dụng Flightradar24 sở dĩ hoạt động trơn tru là nhờ hệ thống giám sát độc lập Automatic Dependent Surveillance-Broadcast, tức ADS-B. Hiện tại, các hệ thống kể trên có trên hầu hết các máy bay hiện đại.
ADS-B là hệ thống tương đối phức tạp và tinh vi, cho phép phi công nhận thông tin cập nhật thời tiết và địa hình thời gian thực. Bên cạnh đó, nó cũng có nhiệm vụ gửi vị trí thông qua GPS từ vệ tinh, tốc độ, độ cao, model máy bay và số hiệu chuyến bay. Đây chính là dữ liệu mà website chuyên theo dõi máy bay cần.
Flightradar24 hiện sở hữu hơn 25.000 trạm thu ADS-B trên thế giới, được đặt ở các đỉnh tháp hoặc nóc nhà của các tình nguyện viên. Công ty cho biết họ gửi đi hàng chục hộp thu tín hiệu, ăng-ten và dây cáp cho tình nguyện viên mỗi tuần.
Ngoài ADS-B, một số công nghệ khác cũng được dùng để thu thập dữ liệu chuyến bay. Đầu tiên là hệ thống giám sát đa điểm (Multilateration – MLAT). MLAT có thể tính toán vị trí máy bay dựa trên độ trễ giữa các trạm thu tín hiệu khác. Cần ít nhất 4 trạm thu, nhận tín hiệu từ cùng một máy bay để MLAT hoạt động.
Tiếp đến, Flightradar24 còn sử dụng công nghệ theo dõi bằng vệ tinh. Các vệ tinh được gắn bộ thu tín hiệu ADS-B, thu thập dữ liệu từ máy bay nằm ngoài vùng phủ sóng của Flightradar24 trên mặt đất rồi gửi thông tin về máy chủ trang web.
Độ phủ sóng của công nghệ vệ tinh rất cao nhờ số lượng vệ tinh khổng lồ và có thể hoạt động trên biển. Tuy nhiên, chỉ những máy bay trang bị hộp phát tín hiệu ADS-B mới được theo dõi bằng công nghệ này.
Ngoài phục vụ sở thích theo dõi chuyến bay, Flightradar24 còn giúp phân tích những manh mối đầu tiên khi một máy bay bỗng dưng biến mất, nhiều khả năng do tai nạn. Vào năm 2021 khi máy bay Boeing 737-500 của Sriwijaya Air gặp nạn tại Indonesia, dữ liệu trực tiếp của Flightradar24 giúp đưa ra các phân tích đầu tiên rằng máy bay đã hạ độ cao 10.000 feet (khoảng 3.000 m) trong chưa đầy 60 giây.
Ra đời năm 2006, Flightradar24 là ứng dụng theo dõi chuyến bay theo thời gian thực. Thông tin về số hiệu chuyến bay, địa điểm cất và hạ cánh, thời gian, độ cao, tốc độ hay quãng đường của máy bay đều được cập nhật trực tiếp.
Flightradar24 được phát hành miễn phí, người dùng có thể tải để theo dõi đa số chuyến bay phổ thông. Tính đến nay, ứng dụng thu hút hàng chục triệu lượt tải, từng có thời điểm ghi nhận 2 triệu người dùng trong ngày.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm