Thị trường hàng hóa
Theo số liệu từ Sở Du lịch Ninh Bình, du lịch Ninh Bình đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ, trên nhiều tiêu chí. Cụ thể trong 9 tháng năm 2023, tổng số lượt khách đến các điểm thăm quan, du lịch trên địa bàn tỉnh ước đạt 5.521,6 nghìn lượt khách, tăng 99,1% so với 9 tháng năm 2022.
Trong đó, khách trong nước 5.237,0 nghìn lượt, tăng 93,1%; khách quốc tế 284,6 nghìn lượt, gấp 4,6 lần. Tổng số khách đến các cơ sở lưu trú ước đạt 961,0 nghìn lượt khách, tăng 68,4%; số ngày khách lưu trú ước đạt 1.331,7 nghìn ngày, tăng 63,3%.
Doanh thu du lịch ước thực hiện trên 5.060,7 tỷ đồng, gấp gần 2,3 lần, trong đó: doanh thu lưu trú 495,0 tỷ đồng, tăng 46,1%; doanh thu ăn uống 2.425,4 tỷ đồng, gấp 2,4 lần; doanh thu bán hàng cho khách du lịch 436,5 tỷ đồng, gấp gần 2,1 lần.
Chỉ riêng tháng 9/2023 đã ước đạt 326,0 nghìn lượt khách, tăng 7,2% so với cùng tháng năm trước (trong đó khách trong nước 305,3 nghìn lượt khách, tăng 4,3%; khách quốc tế 20,7 nghìn lượt khách, tăng 79,8%); doanh thu du lịch ước đạt 420,7 tỷ đồng, tăng 37,7%, trong đó: doanh thu lưu trú 54,3 tỷ đồng, tăng 9,7%; doanh thu ăn uống 210,0 tỷ đồng, tăng 53,1%.
Dự kiến trong năm 2023, các khu du lịch của tỉnh Ninh Bình dự kiến sẽ đón khoảng 6,5 đến 6,8 triệu lượt khách, tăng 83% so với năm 2022; doanh thu đạt 6.850 tỷ đồng, tăng 114% so với năm 2022.
Phấn đấu đến năm 2025, tổng lượng khách tham quan, du lịch Ninh Bình ước đạt trên 8 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế ước đạt 1,0 triệu lượt, khách nội địa ước đạt trên 7 triệu lượt khách (vượt chỉ tiêu Đại hội XXII giao là 8,0 triệu lượt).
Tổng thu du lịch ước đạt trên 10.000 tỷ đồng (vượt chỉ tiêu Đại hội XXII giao từ 8.000-9.000 tỷ đồng); giải quyết việc làm cho khoảng 25.000 lao động, trong đó có khoảng 9.000 lao động trực tiếp.
Trao đổi với PV, ông Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình, cho biết, sau “cú sốc” dịch bệnh kéo dài, ngành du lịch của tỉnh Ninh Bình đã có những dấu hiệu khởi sắc, cơ bản khắc phục được tính mùa vụ, khách du lịch đến đều các tháng trong năm, đóng góp không nhỏ trong cơ cấu GRDP toàn tỉnh, bước đầu tạo được sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương theo hướng tăng tỷ trọng khối dịch vụ, thúc đẩy nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác phát triển. Ninh Bình đã thực sự trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới, thuộc 10 tỉnh có lượng khách đến cao nhất cả nước.
Đặc biệt, tại giải thưởng thường niên về du lịch của Booking.com, Ninh Bình là địa phương duy nhất của châu Á góp mặt và đứng thứ 7 trong danh sách 10 vùng đất thân thiện nhất thế giới năm 2023 và trong giải thưởng du lịch thế giới Vườn quốc gia Cúc Phương 5 liên tiếp từ năm 2019 đến năm 2023 được công nhân là công viên quốc gia hàng đầu châu Á.
Bên cạnh đó, Ninh Bình là một trong 3 tỉnh, thành phố Vùng đồng bằng sông Hồng (cùng TP. Hà Nội và tỉnh Quảng Ninh) và một trong 8 tỉnh, thành phố trong cả nước có di sản thế giới và Ninh Bình là nơi duy nhất trong cả nước và khu vực Đông Nam Á sở hữu di sản kép, được tổ chức UNESCO ghi danh.
Đó là Tràng An - Di sản Văn hoá và Thiên nhiên thế giới công nhận vào năm 2014 và năm 2022, tại Lễ Kỷ niệm 50 năm Công ước về Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, Tổng Giám đốc UNESCO ghi nhận Tràng An là một trong những mô hình mẫu mực, tiêu biểu nhất trên thế giới về sự kết hợp thành công giữa phát triển kinh tế và du lịch bền vững.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm