Thị trường hàng hóa
Người Thu Lao thuộc nhóm dân tộc Tày, Nùng. Ở Lào Cai, người Thu Lao tập trung chủ yếu ở các huyện vùng cao Mường Khương, Si Ma Cai, thường sống xen kẽ với các dân tộc anh em khác như Pa Dí, Tu Dí và Mông.
Trong quá trình di cư và cư trú xen kẽ với các thành phần dân tộc khác, người Thu Lao không chỉ bảo tồn khá nguyên vẹn bản sắc văn hóa của dân tộc mình, mà còn tiếp thu có chọn lọc những yếu tố văn hóa của các dân tộc khác, đặc biệt là về kỹ thuật dệt may, màu sắc, nguyên liệu.
Trong các ngày lễ, tết, ngày cưới… trang phục của người Thu Lao mang sắc thái rõ rệt. Trang phục của phụ nữ Thu Lao thường may bằng chất liệu vải chàm tự dệt, không cầu kỳ, không nhiều đồ trang sức, màu chủ đạo là màu đen. Áo phụ nữ may kiểu 5 thân, cúc cài bên phía nách phải, gấu áo dài, không trang trí hoa văn, cửa tay áo thường đắp thêm khoanh vải sáng màu làm vật trang trí.
Váy phụ nữ Thu Lao may kiểu xòe nơm, được ghép từ nhiều mảnh vải hình thang cân, tạo ra chu vi gấu váy dài tới 4 - 5 m (cạp váy chỉ 0,80m). Khi mặc, phần vải thừa được túm thành một túm phía sau. Đây là điểm khác biệt đặc trưng so với các dân tộc khác.
Khăn đội đầu của phụ nữ Thu Lao được thiết kế từ mảnh vải chàm có chiều dài khoảng 4 m, rộng 20 cm, khi đội khăn được gấp nhỏ thành 4 nếp theo chiều dài rồi quấn quanh thành hình chóp trên đỉnh đầu, hai đầu khăn vắt qua nhau rồi để xoã dài, rủ từ gáy xuống tới thắt lưng. Đây là nét đội khăn độc đáo nhất của phụ nữ Thu Lao.
Đặc biệt, dệt vải là nghề thủ công truyền thống có từ rất lâu đời của người Thu Lao, được trao truyền qua nhiều thế hệ, với nhiều công đoạn đòi hỏi tính kiên nhẫn, tỉ mỉ và sức sáng tạo riêng của mỗi người.
Người Thu Lao trồng bông vào tháng 2, đến tháng 8 bông chín thì thu hoạch quả bông, rồi phơi khô, dùng dụng cụ cán, tách hạt bông riêng, phơi khô hạt để sang năm gieo trồng.
Bông tách hạt xong, họ dùng dụng cụ bật bông, đánh tơi bông, tiếp đến là công đoạn quấn vào que và lăn trên mặt bàn thành các con bông dài. Người Thu Lao dùng dụng cụ để xe thành sợi quấn thành các ống sợi tròn như hình giọt nước, ở giữa thì to tròn, hai đầu thì nhọn.
Ngày kéo sợi là ngày tốt và phải là ngày nắng. Người Thu Lao kiêng ngày mưa khi thực hiện công đoạn này. Sau đó, từ các ống sợi sẽ làm tiếp khâu nối sợi thành các sợi dài bằng một dụng cụ cầm tay… Trải qua nhiều công đoạn, sợi bông sẽ được quay thành các ống suốt để đưa vào con thoi dệt vải.
Trải qua nhiều thế hệ, người Thu Lao vẫn duy trì việc trồng bông, dệt vải như một cách bảo vệ văn hóa của dân tộc mình và trao truyền cho thế hệ sau.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm