Thị trường hàng hóa
Vào các ngày 18, 19 tháng Giêng hằng năm, người dân làng Ngán, xã Ngọc Khê và nhân dân các vùng Mường lân cận của huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa lại tổ chức lễ hội rước nước hang Bàn Bù nhằm cầu may, cầu phúc đầu xuân đến với mọi người, mọi nhà…
Lễ hội rước nước có từ ngàn xưa
Hang Bàn Bù thuộc làng Ngán, xã Ngọc Khê (nay là thị trấn Ngọc Lặc), rất kỳ vĩ và nguyên sơ. Đây là một quần thể di tích lịch sử văn hóa có giá trị, là nơi lưu dấu các sự kiện lịch sử và hội tụ phong cảnh thiên nhiên huyền ảo. Bao gồm khu vực núi, hang động, suối nước, các di tích chùa Nán, Đền thờ Mẫu Thoải, Đền thờ Lê Lai, Lê Lợi, Nguyễn Trãi và các tướng sỹ Nghĩa quân Lam Sơn.
Hang Bàn Bù được thiên nhiên ban tặng cho vẻ đẹp mê hồn với những nhũ đá kỳ thú, ẩn mình trong dãy núi Than. Với chiều dài trên 6km, có 1 cửa vào và 2 cửa ra, đã kiến tạo cho lòng hang nhiều động đẹp, huyền ảo như Ruộng Vua, Ao Vua, hang Bụt, thác Bạc, thác Vàng, động tiên, cung cấm... Đặc biệt, trong lòng hang động với nhiều ngõ ngách luôn có dòng nước trong lành tuôn chảy suốt ngày đêm tạo thành nhiều mặt hồ soi bóng vô vàn nhũ đá lung linh chạy dài theo hang động.
Hang Bàn Bù còn được biết đến bởi nơi đây là nơi tập hợp nuôi dưỡng nghĩa quân Lam Sơn, suối Bàn Bù là phòng tuyến bên ngoài giúp nghĩa quân Lam Sơn nhiều lần đánh thắng quân Minh.
Theo lưu truyền, chùa Nán thờ thích ca Mâu ni, theo thiền phái Trúc Lâm. Trước năm 1420, giặc Minh xâm lược đã tàn phá Chùa, nhân dân đã phải sơ tán vào hang Bàn Bù lập bàn thờ thần nước và thờ Phật, Sau khi chiến thắng quân Minh, nhân dân xây dựng lại Chùa để làm nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh, tín ngưỡng. Để tưởng nhớ vị anh hùng dân tộc Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn, hàng năm vào 2 ngày 18 và 19 tháng giêng, nhân dân trong làng thường tổ chức ăn mừng chiến thắng và Lễ hội rước nước.
Nét đẹp đặc sắc mãi lưu truyền
Trải qua hàng ngàn năm, Lễ hội rước nước hang Bàn Bù vẫn được các thế hệ của người dân huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa lưu truyền. Theo các cụ cao niên trong làng, Lễ hội rước nước hang Bàn Bù có hai phần gồm: phần tế và phần hội. Trong phần tế, người dân trong làng phải chọn đội nam nữ khỏe mạnh để khiêng kiệu, rước nước gồm 18 người, 9 nam, 9 nữ có nhiệm vụ vác ống nước cùng thầy cúng đi vào hang lấy nước.
Đúng vào giờ đẹp, các mâm lễ cúng được đặt trên các bàn thờ trong các đền để ông Ậu (thầy cúng) đến cúng. Lễ vật cúng gồm: Xôi, gà, thủ lợn, thịt lợn, bánh chưng, cau trầu, rượu chè, hoa quả... Ông Ậu làm lễ khấn thờ thổ công, thờ mẫu, thờ thành hoàng làng. Khấn xong, ông Ậu cùng đội rước nước vào hang Bàn Bù để cúng thần nước xin vía nước. Khi đến cửa hang, đoàn rước không được vào hang mà đứng chờ dưới chân hang. Chỉ có ông Ậu cùng 9 đôi nam nữ được vào hang xin vía nước. Sau khi lấy nước ra cửa hang thì đặt bình nước lên kiệu rước về sân đền thờ mẹ nước (thủy lôi thần) cùng các vị chức sắc, các bô lão trong làng dâng hương, khấn vía nước. Tiếp đó ông Ậu cùng 7 thiếu nữ làm thủ tục hiến nước (chia nước) vào 7 bát. Họ dùng loại lá cỏ (gọi là cỏ trường sinh bất tử) để vẩy nước cho mọi người đến lễ hội. Sau đó đem nước đổ ra ruộng, ra sông, suối, bãi với mong muốn cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nhân dân no ấm.
Ngay sau lễ hội rước nước, bà con bản hội sẽ tái hiện màn lịch sử đấu tranh hào hùng của nghĩa quân Lam Sơn qua phần biểu diễn võ thuật, cùng trò diễn Pồn pông, với các trò chơi độc đáo, sinh động và đầy đủ nhất đời sống sinh hoạt của người Mường. Lễ hội sẽ kéo dài trong khoảng 3 ngày thu hút hàng nghìn người gồm các đoàn đại biểu, tăng ni, phật tử cùng các du khách thập phương tham gia, làm cho Lễ hội càng trở nên thiêng liêng, ý nghĩa giữa tiết trời Xuân ấm áp. Lễ hội ruớc nước là lễ hội cổ truyền mang đậm nét văn hóa, nghệ thuật dân gian, không chỉ là nét đẹp truyền thống cầu may, cầu phúc, còn là dịp để con cháu xích lại gần nhau hơn, tăng tình đoàn kết, đóng góp xây dựng quê hương.
Có thể thấy, Lễ hội rước nước hang Bàn Bù là nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mường ở huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa thể hiện rõ mối quan hệ mật thiết giữa quá khứ, hiện tại theo đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Đến nay, các nghi lễ được tuân thủ theo đúng tinh thần Phật pháp, đáp ứng đầy đủ những nét đẹp trong đời sống tâm linh của người dân nơi đây, phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp trong kho tàng văn hóa phi vật thể ở khu Di tích lịch sử văn hóa thắng cảnh Hang Bàn Bù ở xứ Thanh.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm