Thị trường hàng hóa
Đến nay, tên gọi Ao Bà Om có nhiều dị bản giải thích khác nhau. Có bản cho rằng, trước đây, quanh bờ ao có nhiều rau ngò om, một loại rau thơm dùng để nêm canh chua còn gọi là rau mà om, cho nên gọi là ao Mà Om và dần dần biến âm thành ao Bà Om.
Dị bản khác cho là chữ Bà Om do danh từ Prah Âng tức chùa Âng biến âm mà thành. Lại có dị bản cho rằng Bà Om là tên gọi của cặp vợ chồng Ông Lũy và Bà Om... Tuy nhiên, truyền thuyết dưới đây lại được nhiều người biết đến.
Ngày xưa, ở vùng đất này cứ đến mùa khô thì nước ngọt khan hiếm, đời sống cư dân gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, trong xã hội của người Khmer có sự tranh chấp giữa nam và nữ về việc ai phải đi cưới ai, từ đó có cuộc thi đào ao để giải quyết.
Đúng như thỏa thuận, một hôm khi trời vừa tắt nắng, hai phái nam và nữ đến địa điểm để thi công. Phái nữ đào ao ở phía đông, phái nam đào ao ở phía tây, hai ao cách nhau khoảng 2km, Ao Nam gọi là Kù Bros, Ao Nữ là Kù Srây, việc đào ao sẽ kết thúc khi sao mai mọc.
Trong lúc cuộc thi đang diễn ra, phái nữ dưới sự chỉ huy của Bà Om, bà cho người chặt một cây tre dài cắm ở một giồng đất cao, trên đầu treo một ngọn đèn để đánh lừa phái nam. Phái nam nhìn thấy ngọn đèn tưởng rằng sao mai đã mọc bèn nghỉ, trong khi đó phái nữ tiếp tục đào đến sáng. Thế là ao bên nữ đào rộng và sâu hơn ao bên nam và bên nữ đã thắng cuộc. Để nhớ ơn người phụ nữ có công ấy, người ta lấy tên bà đặt cho tên ao là ao Bà Om.
Tuy chuyện kể có yếu tố siêu nhiên, huyền thoại nhưng in đậm dấu ấn văn hóa của đồng bào Khmer. Qua truyền thuyết tục đàn ông phải cưới đàn bà, đánh dấu bước phát triển trong xã hội người Khmer đang chuyển từ chế độ mẫu hệ sang phụ hệ. Công trình cũng minh chứng cho ý chí vươn lên của người dân lao động trước đây trong cuộc đấu tranh cải tạo thiên nhiên, xây dựng cuộc sống.
Đặc điểm của di tích danh thắng Ao Bà Om không chỉ do thiên nhiên tạo nên mà có sự kết hợp giữa thiên nhiên với bàn tay lao động của con người. Toàn bộ khuôn viên Ao Bà Om có diện tích hơn 18 hecta, trong đó diện tích mặt ao là 42.040m². Bao quanh ao là bờ cát chỗ cao chỗ thấp, nơi rộng nơi hẹp; trên bờ ao có hơn 500 cây dầu, cây sao trong đó có những cây cổ thụ, theo thời gian nhiều cây có bộ rễ trồi lên mặt đất tạo hình kỳ thú, là nét độc đáo riêng, hiếm nơi nào có được.
Theo Ban quản lý Khu di tích danh lam Ao Bà Om, hằng năm, vào ngày 14 - 15 tháng Ka đâk (tháng 12) của người Khmer, tức khoảng ngày 14 - 15 tháng 10 âm lịch của người Việt, tại Ao Bà Om diễn ra lễ hội Ok Om Bok (lễ hội đút cốm dẹp hay lễ hội cúng trăng) của đồng bào Khmer.
Lễ hội Ok Om Bok thu hút hàng chục ngàn người từ khắp nơi về Ao Bà Om tham quan ngắm cảnh, tham gia các trò chơi dân gian, thưởng thức các loại hình nghệ thuật truyền thống dân tộc, xem triển lãm và cúng trăng.
Ngày 20/7/1994, Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ban hành Quyết định số 921-QĐ/BT xếp hạng Ao Bà Om là di tích quốc gia thuộc loại hình dạnh lam thắng cảnh.
Lễ hội Ok Om Bok cũng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 2684/QĐ-BVHTTDL ngày 25/8/2014.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm