Thị trường hàng hóa
Nữ hoàng Elizabeth là thành viên giàu có nhất trong hoàng gia Anh. Năm 2002, Nữ hoàng được thừa kế gần 70 triệu USD từ mẹ mình. Số tài sản này bao gồm các bộ sưu tập tranh, tem, đồ sành sứ, đồ trang sức, ngựa,... Ngoài ra, tài sản cá nhân của bà còn đến từ trợ cấp hoàng gia, các khoản đầu tư, sưu tập nghệ thuật và bất động sản bao gồm Lâu đài Balmoral và Nhà Sandringham. Theo ước tính của Forbes, những tài sản này trị giá 500 triệu USD.
Trợ cấp Hoàng gia là khoản tiền cố định hàng năm được trích từ kho bạc nhà nước. Khoản tiền này được phân bổ cho việc đi lại chính thức, chi phí vận hành hoặc bảo trì Cung điện Buckingham. Các chi phí riêng tư của Nữ hoàng và đại gia đình của bà được chi trả thông qua một khoản trợ cấp riêng có tên là Privy Purse. Năm tài khóa 2020-2021, Trợ cấp Hoàng gia có giá trị lên đến 86 triệu bảng Anh, tương đương hơn 100 triệu USD.
Tài sản cá nhân của Nữ hoàng Elizabeth II sẽ được trao cho người thân theo di nguyện của bà. Nữ hoàng có 4 người con, 8 người cháu và 12 người chắt. Chi tiết di chúc của Nữ hoàng có thể sẽ được công bố trên trang web của hoàng gia.
Công ty Hoàng gia, còn được gọi là Monarchy PLC - đế chế trị giá 28 tỷ USD được xem là “doanh nghiệp gia đình” của hoàng gia Anh.
Đế chế kinh doanh toàn cầu này tạo ra doanh thu hàng trăm triệu bảng mỗi năm cho nền kinh tế của Vương quốc Anh thông qua các sự kiện truyền hình và du lịch. Nữ hoàng và 7 thành viên hoàng gia khác bao gồm Vua Charles III và Vương hậu Camilla (nữ công tước xứ Cornwall), Thái tử William và vợ Kate (nữ công tước xứ Cambridge), Công chúa Anne (con gái của nữ hoàng), Hoàng tử Edward và vợ Sophie (nữ bá tước xứ Wessex), là thành viên của công ty.
Đế chế này đang nắm giữ khối bất động sản, bao gồm: Crown Estate (19,5 tỷ USD), Cung điện Buckingham (4,9 tỷ USD), Công quốc Cornwall (1,3 tỷ USD), Công quốc Lancaster (748 triệu USD), Cung điện Kensington (khoảng 630 triệu USD) và Crown Estate của Scotland (592 triệu USD).
Gia đình hoàng gia không thu được lợi nhuận cá nhân từ việc kinh doanh. Mục đích của Công ty Hoàng gia là thúc đẩy nền kinh tế đất nước thông qua hiệu ứng truyền thông.
Sau khi Nữ hoàng Elizabeth II qua đời, Công ty Hoàng gia sẽ không được thừa kế bởi một người cụ thể, mà tiếp tục phục vụ lợi ích của toàn thể hoàng gia.
Crown Estate là tổ chức quản lý các bất động sản thuộc về hoàng gia Anh, do Nữ hoàng Elizabeth II nắm giữ. Nhưng đây không phải là tài sản riêng của bà, nó được điều hành bởi một hội đồng công cộng bán độc lập. Vào tháng 6, Crown Estate đã công bố lợi nhuận doanh thu ròng 312,7 triệu USD cho năm tài chính 2021–2022, nhiều hơn 43 triệu USD so với năm tài chính trước đó.
Crown Estate giờ đây sẽ thuộc về Vua Charles III với tư cách là Quốc vương trị vì của đất nước, tuy nhiên ông không thể bán hay đấu giá khối tài sản này. Mặc dù vậy gia đình hoàng gia vẫn được hưởng lợi nhuận tài chính từ việc nắm giữ. Phần lớn nguồn thu từ Crown Estate được đưa về ngân khố quốc gia, nhưng khoảng 15 - 25% lợi nhuận được chuyển cho Nữ hoàng Elizabeth và giờ là Vua Charles thông qua Trợ cấp Hoàng gia.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm