Thị trường hàng hóa
Linh Ứng Tự hay còn được gọi chùa Tương Mai bởi trước đây chùa được xây dựng trên một khu đất của làng Tương Mai cổ. Làng Tương Mai là một trong bốn làng cổ của vùng Kẻ Mơ, nằm ở cửa ngõ phía nam kinh thành Thăng Long, trên con đường thiên lý từ các tỉnh phía Nam ra Kinh thành.
Chùa Tương Mai có lịch sử từ khá lâu đời. Theo các tích ghi lại, chùa được khởi dựng trước thời Lê và được trùng tu vào thời Lê Trung Hưng. Theo dấu thời gian, chùa đã trải qua nhiều lần trùng tu, lần gần đây nhất là vào năm 2005. Hiện nay chùa bao gồm các hạng mục kiến trúc: Tam quan, khu chùa chính, nhà Tổ, nhà Mẫu, nhà Trai, nhà Khách, vườn tháp và một số khu nhà phụ trợ.
Hệ thống tượng Phật tại khu vực chùa chính gồm những bức pho lớn hiện vẻ uy nghi và được sắp xếp theo thứ tự: Nơi cao nhất là bộ Tam Thế Phật ngồi kiết già trên tòa sen. Lớp thứ hai là tượng A Di Đà, hai bên là pho tượng Quan Âm tọa thiền trên đài sen. Lớp thứ ba là bộ tượng Quan âm Chuẩn đề. Lớp thứ tư là pho tượng Ngọc Hoàng và hai vị Nam Tào, Bắc Đẩu. Tiếp theo là tòa Cửu Long và Thích Ca Sơ Sinh; hai bên có hai pho tượng Phổ Hiền cưỡi voi, Văn Thù cưỡi sư tử. Bài trí tại Tiền đường có các pho tượng Đức Ông, Thánh Tăng, hai ông Khuyến Thiện, Trừng Ác; hai bên đầu hồi là hai dãy tượng Thập Điện Diêm vương.
Trong hệ thống các pho tượng kể trên có bộ tượng Tam thế, tượng Quan Âm Thiên thủ thiên nhãn, tượng Văn Thù, Phổ Hiền, Đức Hộ Pháp... là những pho tượng có niên đại sớm nhất của chùa, ít thấy ở các di tích khác. Đồng thời đó cũng là các pho tượng được tạo tác mang phong cách nghệ thuật tượng Phật giáo thế kỷ 17-18.
Hiện nay chùa Tương Mai còn bảo lưu được nhiều di vật có giá trị lịch sử như quả chuông đồng đúc năm Cảnh Thịnh thứ 8 (1800); bia đá ghi việc trùng tu của chùa vào thời Lê; hệ thống hoành phi câu đối, bát hương thờ bằng đá có nét trang trí, chạm khắc thời Lê và nhiều đồ thờ tự khác. Những di vật đó là nguồn tài liệu quý giúp cho các nhà nghiên cứu tìm hiểu thêm về lịch sử, đời sống xã hội của một ngôi làng cổ, vùng đất Kẻ Mơ và nghệ thuật trang trí, điêu khắc đương thời.
Một điều đặc biệt của Linh Ứng Tự đó là những bức tranh nhân quả được trưng bày ở hai bên sân chùa, đi qua tam quan du khách có thể thấy ngay. Bộ tranh nhân quả được trưng bày tại Linh Ứng Tự do TT. Thích Chân Quang biên soạn, gồm 5 phần đề cập đến nhiều khía cạnh của cuộc sống con người như đức tin, đối nhân xử thế, tu thân, đạo đức kinh doanh, đạo làm người ...
Nhân quả theo chữ Hán có nghĩa là hạt giống và bông trái. Giống như việc nếu ta gieo hạt cam xuống đất, hạt cam lên thành cây cam, cây cam lớn lên cho ta những quả cam ngọt, đó là nhân và quả của cây cam. Còn nếu ta lấy một hạt chanh đem ươm trồng thì ta sẽ nhận được những trái chanh chua, đó là nhân và quả của cây chanh.
Thuyết nhân quả của Phật giáo thức tỉnh con người về trách nhiệm trong từng ý nghĩ, lời nói và hành động. Như trong kinh Tăng nhất A-hàm Đức Phật dạy: “Người ta gieo nhân nào thì hưởng quả ấy; làm lành thì được quả tốt, làm ác thì chịu quả xấu, người trồng thì người hưởng”.
Trong kho tàng ca dao tục ngữ Việt Nam cũng có rất nhiều câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ nói về sự báo ứng nhân quả như: “Gieo gió ắt gặp bão”, “Ở hiền gặp lành”, “Đời cha ăn mặn đời con khát nước”… Quan điểm này rất gần gũi với thuyết nhân quả của Phật giáo, và cho thấy rằng luật nhân quả dù không có cơ sở khoa học nhưng có thể chiêm nghiệm qua những trải nghiệm của mỗi cá nhân.
Những nội dung, hình ảnh trong bộ tranh nhân quả tại Linh Ứng Tự được biên soạn tinh giản, thiết thực với đời sống, nhờ đó những câu chuyện đạo lý vốn tưởng như khô khan lại trở nên gần gũi hơn với tất cả mọi người, đặc biệt là giới trẻ khi tới vãn cảnh chùa.
Bạn Ng. Hoàng Lan chia sẻ: “Mình đến đây với mẹ vào ngày rằm, mùng 1 và chú ý ngay tới tranh nhân quả, bộ tranh khá nhiều nội dung và mình có thể nhận thấy nó đã xảy ra trong cuộc sống của mình. Mình không phải là Phật tử nhưng hiểu về thuyết nhân quả của Phật giáo giúp mình cân nhắc, cẩn thận trong từng cử chỉ, lời nói và thấy được giá trị của lòng từ bi, tinh thần siêng năng. Tranh nhân quả giúp mình nhìn nhận lại bản thân”.
Đạo Phật với hơn 2000 năm hình thành và phát triển tại Việt Nam đã nhập thế và có những đóng góp thiết thực cho đời sống xã hội xưa và nay. Nhiều ngôi chùa tại Việt Nam không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh mà còn là nơi trao gửi những giá trị tốt đẹp và trường tồn với thời gian.
Với những giá nghệ trị thuật mang đậm dấu ấn lịch sử gắn liền với sự hình thành và phát triển của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, chùa Tương Mai - Linh Ứng Tự đã được Bộ Văn hóa và thể thao xếp hạng là Di tích lịch sử Văn hóa Quốc gia vào năm 1996.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm