Thị trường hàng hóa
Tân Hồng là huyện biên giới đầu nguồn của tỉnh Đồng Tháp, kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Những năm qua, huyện Tân Hồng đã tập trung hỗ trợ nông dân triển khai các mô hình khuyến nông, như: Mô hình dưa lưới thủy canh, mô hình chăn nuôi heo theo hướng an toàn sinh học; mô hình nuôi cá chạch lấu trong ao; mô hình sản xuất lúa chất lượng cao…
Đáng chú ý là mô hình chăn nuôi dê hướng thịt từ Chương trình Khuyến nông Quốc gia (do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai) hỗ trợ cho huyện Tân Hồng trong năm 2021. Theo đó, số lượng dê thịt thương phẩm 400 con hỗ trợ cho 10 hộ dân trên địa bàn 6 xã của huyện này. Đến nay đàn dê tăng hơn 700 con.
Một trong những hộ nuôi mang lại hiệu quả cao là ông Nguyễn Văn Luận (50 tuổi), ấp Công Tạo, xã Bình, Phú, huyện Tân Hồng. Theo ông Luận, năm 2021, từ sự giới thiệu của cán bộ địa phương về mô hình nuôi dê hướng thịt, ông mạnh dạn đầu tư chuồng trại mua 60 con dê giống về nuôi.
Sau gần 2 năm nuôi dê, ông Luận cho biết, được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn cách chăm sóc dê, cách xây chuồng trại và phối trộn thức ăn như thế nào để dê mau lớn, ít bệnh. Nhờ đó, sau 3 lứa dê, ông Luận nhận thấy mô hình nuôi dê hướng thịt có lợi nhuận cao hơn các mô hình nuôi lơn, bò... từ 20-30%.
Cụ thể, mỗi lứa dê khoảng 3-4 tháng là xuất bán, khi đó trọng lượng dê đạt từ 30-40kg, với giá bình quân dao động từ 115.000 - 125.000 đồng. Mỗi con dê ông thu lời trên một triệu đồng.
Còn hộ của chị Phan Thị Bích Tuyền, ấp Gò Bói, xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng, từ đàn dê ban đầu 100 con dê giống nay đã tăng lên đến 450 con.
Chị Tuyền cho biết, qua gần 2 năm nuôi dê trong chuồng trại, chị Tuyền đánh giá mô hình đã giúp gia đình chị có thu nhập ổn định từ đàn dê thịt. Cứ sau 3-4 tháng, chị xuất bán một lứa khoảng 120 con dê, trung bình mỗi con từ 30-40 kg. Nếu trừ hết các khoản chi phí, mỗi con dê, gia đình chị còn lời từ 600.000 - 700.000 đồng.
Theo những hộ nuôi dê cho biết, mô hình nuôi dê hướng thịt phù hợp với người dân lao động nông thôn. Tuy nhiên, chi phí ban đầu bỏ ra mua con giống, xây chuồng trại theo kiểu nhà sàn nên chi phí cao. Do đó, để mô hình lan rộng đến những hộ cận nghèo, hộ nghèo cần có chính sách cho người dân vay vốn, bà con mới thực hiện được.
Ông Huỳnh Văn Nhã, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Hồng, cho biết: "Chúng tôi cho rằng, mô hình chăn nuôi dê thương phẩm là hướng đi mới cho bà con chăn nuôi gia súc trên địa bàn huyện. Do đó, trong thời gian tới, huyện sẽ đề xuất trung ương và tỉnh tiếp tục hỗ trợ con giống hoặc nguồn kinh phí để địa phương lồng ghép vào các nguồn vốn ngân sách huyện và vốn đối ứng của người dân để tiếp tục thực hiện duy trì phát triển mô hình".
Ông Nhã còn nhấn mạnh, lãnh đạo huyện đã giao cho Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tân Hồng tiếp tục có kế hoạch nhân rộng mô hình, góp phần phát triển kinh tế, hỗ trợ việc làm cho lao động nông thôn. Đối với các hộ đã được hỗ trợ, huyện sẽ đề nghị với các Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội có chính sách vay vốn ưu đãi về lãi suất để mở rộng quy mô chuồng trại, tăng đàn. Qua đó, tạo mô hình sinh kế mới, từng bước giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, thúc đẩy phát triển kinh tế, góp phần thực hiện công tác giảm nghèo bền vững.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm