Thị trường hàng hóa
Lễ hội đền thờ Lê Hoàn - một lễ hội truyền thống tiêu biểu, gắn với người Anh hùng dân tộc Lê Hoàn, vị vua đã lập nhà Tiền Lê.
Theo nhiều tài liệu để lại, làng Trung Lập ở trên một gò đất cao như thân rồng, nằm giữa hai dòng sông. Nơi đây, hơn 1.000 năm trước, khí thiêng của sông núi đã hội tụ, hun đúc sản sinh ra Lê Đại Hành Hoàng đế - người đã xây dựng nền móng độc lập, tự chủ của dân tộc ta, chấm dứt họa xâm lăng hàng ngàn năm của phương Bắc. Là “vùng đất sinh ra vua” nên đời sống văn hóa, tín ngưỡng của dân làng Trung Lập đều gắn liền với sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhà vua.
Sau khi vua băng hà, để ghi nhớ công ơn của ngài, Nhân dân nhiều nơi lập đền thờ, trong đó có người dân làng Trung Lập. Đền được lập trên mảnh đất xưa kia gia đình vua đã ở và hằng năm cứ đến ngày hóa kỵ của ngài (mùng 8/3 âm lịch), Nhân dân đến bày tỏ lòng ngưỡng mộ, tưởng nhớ công đức của người và các tướng lĩnh.
Lễ hội đền thờ Lê Hoàn được tổ chức từ ngày 7 đến 9/3 âm lịch hàng năm, với nhiều nghi lễ truyền thống đặc trưng của văn hóa truyền thống địa phương, như: lễ mộc dục, lễ tiến gỏi cá - nhớ lại khi ở kinh đô, nhà vua đã bắt sứ giả Tàu ăn thịt sống, gỏi cá theo truyền thống văn hóa ẩm thực nước ta từ thời đó; tục Bồi tường - gợi nhớ lại khi còn làm tướng, vua Lê Đại Hành đã chỉ huy quân sĩ khi lập đồn, hạ trại phải đào hào, đắp lũy; lễ rước kiệu, lễ tế chính tại đền thờ... Lễ vật dâng vua được người dân chuẩn bị kỹ lưỡng và tự tay làm.
Điểm nhấn đặc sắc trong lễ hội là nghi thức rước kiệu. Vào sáng mùng 8/3 âm lịch, người dân làng Trung Lập sẽ rước kiệu từ đền thờ ra lăng Quốc mẫu, lăng Hoàng khảo... và quay lại đền chính; thực hiện các nghi thức dâng hương, bái tế trước khi diễn ra phần chính lễ tại đền thờ. Đoàn rước kiệu được tổ chức công phu với cờ lộng, dàn binh khí, bát biểu, phường nhạc bát âm và đoàn phu kiệu là nam thanh, nữ tú được làng chọn lựa kỹ càng.
Theo tục lệ, những người tham gia thực hiện các nghi lễ, lễ tục được các cụ cao niên trong làng Trung Lập chọn lựa theo các quy định khắt khe từ xa xưa. Họ đều là những người có sức khỏe tốt, đức độ, gia đình hòa thuận, không có tang ma, chuyện buồn. Trong đó, chủ tế và người tham gia đội tế là người cao tuổi của làng.
Công tác chuẩn bị được người dân thực hiện chu đáo và nghiêm cẩn, tỏ lòng thành kính vô hạn đối với vua, đồng thời mong muốn được đức vua chở che, bảo vệ cho toàn thể dân làng có một cuộc sống bình an, hạnh phúc.
Cùng với các nghi thức truyền thống, Lễ hội đền thờ Lê Hoàn được tổ chức sôi nổi với các trò chơi, trò diễn dân gian tái hiện công lao to lớn của nhà vua và các tướng sĩ có công bảo vệ đất nước khỏi họa xâm lăng, như trò đánh mảng, chơi bài điếm, nhảy sạp, trò Xuân Phả, Pồn Pôông.
Tại lễ hội, chương trình nghệ thuật sân khấu hóa được dàn dựng công phu với chủ đề “Lê Đại Hành hoàng đế - Ngàn năm vang mãi chiến công”, tái hiện và ngợi ca công lao to lớn của Anh hùng dân tộc Lê Hoàn cùng các tầng lớp nhân dân trong công cuộc đánh đuổi ngoại xâm, giữ yên cương giới, bờ cõi đất nước; đồng thời thể hiện những thành tựu to lớn của tỉnh Thanh Hóa trong sự nghiệp đổi mới, phát triển hôm nay.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm