Thị trường hàng hóa
Đề án xây dựng TP thông minh trong giai đoạn 2021 - 2025, làm cơ sở quan trọng đến năm 2030 Đà Nẵng hoàn thành xây dựng đô thị thông minh, kết hợp đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN.
Sau 2 năm tích cực xây dựng chính quyền điện tử, TP thông minh, Đà Nẵng đang tập trung đầu tư phát triển ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), hoạt động thông tin và truyền thông nhằm duy trì đà tăng trưởng cao, đóng góp vào tăng trưởng chung của TP.
Theo báo cáo của Cục Thống kê TP Đà Nẵng, doanh thu toàn ngành thông tin và truyền thông trong 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 7.584 tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước; Xuất khẩu phần mềm ước đạt 55 triệu USD, tăng 30%.
Tỷ trọng đóng góp vào mức tăng chung của ngành thông tin và truyền thông Đà Nẵng đạt 14,28%, là ngành có tỷ trọng đóng góp vào tăng trưởng GRDP cao nhất trong 21 ngành kinh tế cấp I.
Trong năm 2021, Đà Nẵng đã nỗ lực phấn đấu và đạt được nhiều thành tích, giải thưởng quan trọng như: Giải thưởng TP thông minh năm thứ 2 liên tiếp; Giải thưởng Chuyển đổi số xuất sắc; Đứng thứ 3 về Chỉ số cải cách hành chính, đứng thứ 4 về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh...
Đặc biệt, Đà Nẵng 12 năm liên tiếp dẫn đầu cả nước về Chỉ số sẵn sàng phát triển và ứng dụng CNTT và truyền thông.
Ông Lê Quang Nam, Phó Chủ tịch UBND TP cho biết, TP Đà Nẵng xác định chuyển đổi số là “chìa khóa chính” để chủ động tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) theo chủ trương của Bộ Chính trị.
Chuyển đổi số cũng là cơ hội giải quyết các điểm nghẽn, tạo đột phá trong phát triển, hướng đến trở thành đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh, đáng sống như Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Bên cạnh đó, Đà Nẵng còn là địa chỉ đỏ của nhiều nhà đầu tư khi muốn xây dựng, mở rộng nhà máy sản xuất.
Tháng 6/2022, BQL Khu công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng đã có Quyết định 120/QĐ-BQL (ngày 15/6/2022) chấp thuận chủ trương đầu tư; Đồng thời chấp thuận nhà đầu tư đối với dự án Nhà máy sản xuất bảng mạch in (PCB) và vi cơ điện tử (MEMS) của Công ty Vector Fabrication Inc (Hoa Kỳ).
Dự án này có tổng vốn đầu tư gần 1.367 tỷ đồng (tương đương 60 triệu USD) nhằm sản xuất bảng mạch in điện tử (PCB); nghiên cứu, phát triển và sản xuất sản phẩm vi cơ điện tử (MEMS) với công nghệ áp dụng phù hợp danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển tại Quyết định số 38/2020/QĐ-TTg ngày 30/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo Sở Thông tin và Truyền thông, Đà Nẵng, hiện có khoảng 7.000 doanh nghiệp đăng ký ngành nghề có liên quan đến lĩnh vực CNTT, chiếm 20% tổng số doanh nghiệp toàn thành phố.
Trong đó, 1.900 doanh nghiệp có ngành nghề chính trong lĩnh vực CNTT. Giai đoạn 2010 - 2019, công nghiệp CNTT Đà Nẵng đã có bước tăng trưởng nhanh, bền vững về cả doanh thu và sản lượng với mức tăng trung bình 20%/năm.
Trong đó, Khu Công viên phần mềm số 1 tính đến ngày 31/12/2021 có tổng doanh thu dịch vụ lũy kế ước đạt 45 tỷ đồng, đạt 94% kế hoạch, nộp ngân sách ước đạt 16,7 tỷ đồng.
Tại Khu CNTT tập trung Đà Nẵng - giai đoạn 1, đầu tháng 2, nhà máy thuộc dự án nghiên cứu, sản xuất và lắp ráp thiết bị điện tử công nghệ cao Surface Mount Technology đã xuất xưởng lô hàng 2.400 máy tính bảng đầu tiên được chế tạo và sản xuất tại Đà Nẵng.
Cũng trong năm 2022, ngành CNTT Đà Nẵng sẽ ban hành cơ chế, chính sách tạo sự đột phá trong thu hút đầu tư của các tập đoàn điện tử lớn (LG, Samsung...) vào các khu CNTT tập trung, khu công nghệ cao trên địa bàn thành phố.
Bên cạnh đó, TP triển khai đầu tư, hoàn thiện hạ tầng các khu CNTT do TP đầu tư; ưu tiên thúc đẩy, hỗ trợ và tạo điều kiện triển khai các dự án, khu CNTT trên địa bàn của các tập đoàn lớn, uy tín như: FPT, Viettel, VNPT, CMC... để tập trung thu hút đầu tư, phát triển kinh tế số.
Bà Huỳnh Liên Phương, Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư TP Đà Nẵng, cho biết: Trước đây, cơ cấu vốn FDI chủ yếu vào lĩnh vực dịch vụ, nhưng trong vài năm trở lại đây, cơ cấu vốn FDI vào Đà Nẵng đã có sự chuyển dịch mạnh.
Khi Khu Công nghệ cao Đà Nẵng hình thành, nhiều dự án của doanh nghiệp nước ngoài được xây dựng, thì cơ cấu vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ chỉ còn chiếm 30%; Trong khi đó, công nghiệp trở thành lực hút mới, khi chiếm trên 50%.
Những dự án triệu đô đã góp mặt tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng có thể kể đến như Dự án Tokyo Keiki Precision Technology, trị giá 40 triệu USD; Dự án Niwa Foundry Việt Nam, trị giá 30 triệu USD; Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine, trị giá 170 triệu USD…
Vừa qua, tại Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng 2022 nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đã đóng góp ý, kiến nghị hết sức thiết thực, với mong muốn xây dựng Đà Nẵng trở thành một TP phát triển trong lĩnh vực CNTT, công nghệ cao.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng, trong 5 tháng đầu năm 2022, Đà Nẵng thu hút được 11 dự án FDI, đưa tổng số dự án đầu tư nước ngoài tại TP lên con số 920 dự án, tổng vốn đăng ký gần 3,9 tỷ USD. |
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm
Business Networking
Mạng lưới kết nối của Trí Tuệ Mới