Thị trường hàng hóa
Trả lời câu hỏi về nguy cơ ấn “Hoàng đế chi bảo” bị bán ra nước ngoài tại cuộc họp báo định kỳ của Bộ VH-TT-DL ngày 24/3, ông Trần Thành, Phó cục trưởng Cục Di sản văn hóa, cho biết pháp luật về di sản văn hóa có những quy định có liên quan đến ấn Hoàng đế chi bảo.
Những quy định này nằm trong 2 thông tư. Một thông tư quy định về việc di vật, hiện vật, bảo vật quốc gia muốn được đưa ra nước ngoài với mục đích tuyên truyền, bảo quản và bảo vệ. Một thông tư nữa là Thông tư 19 năm 2012 quy định về loại di vật, cổ vật không được đưa ra nước ngoài, trong danh mục này nói đến những ấn tín không được đưa ra nước ngoài.
Các quy định của pháp luật này cũng quy định trình tự cũng như thẩm quyền xem xét thẩm định của cục với các loại di vật cổ vật như vậy, có được phép mang ra nước ngoài hay không. Thông tư quy định chặt chẽ từ đối tượng đến quy định cụ thể kèm theo.
"Vì thế, nếu tư nhân tiếp tục đưa ra nước ngoài với mục đích trưng bày quảng bá văn hóa Việt Nam, hoặc đưa ra nước ngoài để tu sửa, bảo quản nếu hiện vật xuống cấp mà công nghệ và trình độ kỹ thuật của Việt Nam chưa thực hiện được, thì sẽ có thông tư quy định. Trường hợp đưa ra với mục đích khác thì cũng đã có thông tư ngăn chặn việc mang ra nước ngoài", ông Thành nói.
"Chúng tôi cam kết việc chủ sở hữu có thể là tư nhân muốn mang hiện vật (ở đây là ấn Hoàng đế chi bảo - PV) ra nước ngoài phải đảm bảo tuân thủ quy định chặt chẽ mới được mang đi. Còn lại, hoàn toàn hiện vật này chịu quản lý của Thông tư 19 sẽ không được mang ra nước ngoài", ông Thành nhấn mạnh.
Tại cuộc họp báo, khi phóng viên đề nghị cung cấp thông về việc một cá nhân ở Bắc Ninh là ông Nguyễn Thế Hồng đã ký hợp đồng mua ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" với nhà đấu giá Millon (Pháp), ông Trần Đình Thành cho biết chưa thể công bố thông tin chính thức bởi quá trình đàm phán, thương lượng và tiến hành thủ tục hồi hương vẫn đang diễn ra.
"Hiện nay chúng tôi chưa thể cung cấp thông tin cụ thể vì phải thực hiện cam kết giữa các bên và tiến hành thủ tục để đưa ấn vàng hồi hương theo đúng quy định pháp luật của Pháp cũng như Việt Nam", ông Thành cho biết, đồng thời nhấn mạnh rằng, mốc tháng 4 và tháng 6/2023 sẽ rất quan trọng liên quan đến việc hồi hương của ấn vàng "Hoàng đế chi bảo".
Trước đó, ấn "Hoàng đế chi bảo" - ấn được coi là đẹp nhất của triều Nguyễn, đã được nhà đấu giá Millon (Pháp) đưa ra đấu giá.
Sau đó, nhờ hỗ trợ từ Bộ Ngoại giao và Bộ VH-TT-DL, ông Nguyễn Thế Hồng, Chủ tịch Hội Cổ vật Bắc Ninh, mua được chiếc ấn. Ông Hồng mua ấn "Hoàng đế chi bảo" với tư cách là Giám đốc Công ty TNHH Bảo tàng Hoàng Gia Nam Hồng. Tổng giá của tác phẩm (ấn vàng) được các bên thỏa thuận là 6.100.044 euro bao gồm thuế. Tất cả các loại thuế áp dụng cho việc bán tác phẩm do bên mua chịu trách nhiệm.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm