Thị trường hàng hóa
Ngày 25/8, UBND quận Bình Thạnh, TP.HCM và Ban quản lý lăng Lê Văn Duyệt đã tổ chức Lễ đón bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho Lễ hội Khai hạ - Cầu an.
Đây là di sản thứ 3 của TP.HCM được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, sau “Lễ hội Nghinh ông ở huyện Cần Giờ” và "Tập quán xã hội và tín ngưỡng Tết Nguyên tiêu của người Hoa ở quận 5".
Phát biểu tại Lễ đón bằng chứng nhận, bà Phan Thị Thắng - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đánh giá cao những nỗ lực của UBND quận Bình Thạnh và Ban quản lý lăng Lê Văn Duyệt trong việc duy trì, gìn giữ, kế thừa để tổ chức “Lễ hội Khai hạ - Cầu an tại lăng Tả quân Lê Văn Duyệt” hằng năm một cách chỉn chu, bài bản. Đây trở thành một nét văn hóa tín ngưỡng đẹp cho người dân TP.HCM trong nhiều năm qua.
Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch, các cơ quan liên quan, hợp tác cần liên kết chặt chẽ, bảo tồn và phát huy giá trị của "Lễ hội Khai hạ - Cầu an"để luôn có vị trí xứng đáng trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.
Lễ Khai hạ - Cầu an là lễ hội được tổ chức vào mùng 7 tháng Giêng âm lịch hằng năm. Các nghi thức tế, lễ được tổ chức theo nghi thức tế lễ cung đình triều Nguyễn và gắn bó mật thiết, thể hiện sống động hoạt động sản xuất, sinh hoạt trong đời sống nhân dân.
Lễ hội được chia thành nhiều phần gồm hạ nêu, khai hạ, khai bút và khai ấn. Đây là điểm nhấn sinh hoạt văn hóa của người dân Nam bộ nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng để cầu mong mưa thuận, gió hòa và kỳ vọng một năm mới công việc thuận lợi, làm ăn hanh thông, thể hiện sức mạnh đoàn kết của nhân dân trong lao động, sinh hoạt và bảo vệ đất nước.
Mỗi năm, lễ hội này đều thu hút hàng ngàn người dân không chỉ ở TP.HCM mà còn ở nhiều địa phương của Nam Bộ về dự. Tham gia lễ hội, người dân thường xin ấn Tả quân về treo trong nhà như để nhắc nhở con cháu noi gương, học tập tinh thần trung quân ái quốc, phẩm chất chính trực, công bằng của Đức Tả quân và cũng để cầu mong một năm làm ăn thuận buồm xuôi gió.
Ngoài các nghi thức cúng tế, dâng hương, dâng sớ, Lễ khai hạ - cầu an tại lăng Tả quân Lê Văn Duyệt hàng năm còn kèm theo những chầu hát bội sống động vì sinh thời Tả quân Lê Văn Duyệt rất thích xem hát bội. Theo Tả quân Lê Văn Duyệt, tuồng hát không chỉ mang giá trị văn hóa, mà còn lồng ghép mục đích giáo dục cho các tầng lớp nhân dân về đạo lý làm người, đạo lý "uống nước nhớ nguồn" của người dân Việt
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm