Thị trường hàng hóa
Ngày 4/2/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) vũ trụ đến năm 2030.
Thời gian qua, ngành vũ trụ Việt Nam đã đạt được một số kết quả nhất định như phóng 2 vệ tinh viễn thông VINASAT, 1 vệ tinh quan sát trái đất VNREDSat lên quỹ đạo vũ trụ; tự chế tạo 3 vệ tinh cỡ nhỏ “made in Vietnam” (PicoDragon, NanoDragon và MicroDragon).
Những kết quả từ việc phát triển công nghệ vệ tinh giúp kết nối và hỗ trợ các giao dịch thương mại, mang lại những lợi ích to lớn về kinh tế và quốc phòng, an ninh cho Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy, công nghệ vũ trụ là công nghệ cao nhất, kết tinh của các công nghệ cao trên thế giới và luôn luôn là cuộc chơi của những quốc gia dẫn dắt.
Tuy còn nhiều hạn chế về tiềm lực kinh tế và KH&CN nhưng Việt Nam đã có những kết quả nghiên cứu để làm chủ công nghệ vũ trụ và từ đó có thể phát triển một số sản phẩm của riêng mình.
Chiến lược phát triển và ứng dụng KH&CN vũ trụ đến năm 2030 cũng đặt ra một số mục tiêu cụ thể, trong đó có việc làm chủ được công nghệ thiết kế, chế tạo, tích hợp các cảm biến quang học, radar cho vệ tinh quan sát trái đất; lắp ráp, tích hợp, kiểm tra ở trong nước vệ tinh nhỏ có độ phân giải cao, siêu cao.
PGS, TS Phạm Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) nhận định, ngày nay, xu thế kích thước của vệ tinh ngày càng nhỏ đi, thời gian chế tạo ngắn lại, yêu cầu công nghệ cũng đơn giản hơn, đây chính là cơ hội cho các quốc gia như Việt Nam có thể tham gia vào cuộc chơi này.
“Tuy nhiên, chúng ta không nên nhìn dưới con mắt cạnh tranh mà nên tham gia với tâm thế hợp tác, phối hợp, chia sẻ dữ liệu để chúng ta dễ dàng tiếp cận hơn với các nguồn dữ liệu khác. Hiện, Chính phủ cũng đã định hướng vào phát triển và ứng dụng vệ tinh nhỏ, từng bước xây dựng chùm vệ tinh nhỏ quan sát trái đất. Đây chính là một trong những công nghệ tốt nhất, ảnh hưởng sâu rộng nhất trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của một quốc gia được đưa ra bởi Liên Hợp Quốc”, ông Tuấn nói.
Để hiện thực hóa giấc mơ từng bước chinh phục vũ trụ, ông Tuấn đề xuất, Việt Nam nên xác định không gian vũ trụ là một trong 5 không gian (vùng đất, vùng trời, vùng biển, không gian mạng và không gian vũ trụ) cần làm chủ để bảo vệ quyền lợi quốc gia.
Để làm chủ được không gian đó là một chặng đường rất dài, chông gai, cần nhiều nỗ lực và đầu tư chiến lược dài hạn. Vì vậy, công nghệ vũ trụ cần có sự đầu tư lớn về các nguồn lực tài chính, nhân lực và cả thời gian.
Việt Nam cần bảo đảm định hướng phát triển cân đối và bền vững cho lĩnh vực này bằng việc xây dựng Luật Vũ trụ của Việt Nam, đây là tiền đề để các thành phần khác yên tâm đầu tư phát triển. Đồng thời, thành lập cơ quan hàng không vũ trụ quốc gia và sớm tham gia các công ước của Liên Hợp Quốc về sử dụng khoảng không vũ trụ vì mục đích hòa bình.
Việt Nam cần thúc đẩy nhu cầu khai thác các ứng dụng từ công nghệ vũ trụ, tạo nhu cầu đủ hấp dẫn các thành phần kinh tế, các startup công nghệ cùng tham gia xây dựng nền kinh tế vũ trụ.
Tăng cường hợp tác quốc tế, tiếp nhận và chuyển giao công nghệ, rút ngắn khoảng cách để có thể tham gia đóng góp vào những chương trình nghiên cứu chung của thế giới. Tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành, tránh đầu tư phát triển không đồng bộ, trùng lặp, thiếu hiệu quả.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy nhấn mạnh yêu cầu đào tạo đội ngũ con người, đào tạo nhiều hơn các chuyên gia về công nghệ vũ trụ, không chỉ cho viện nghiên cứu mà cho trường đại học, rộng hơn nữa là các doanh nghiệp.
“Công nghệ vũ trụ không chỉ là “cuộc chơi” của các Chính phủ mà còn là cuộc cạnh tranh của các tập đoàn và doanh nghiệp tư nhân hàng đầu. Để làm được điều đó cần cơ chế đãi ngộ tốt, môi trường làm việc thuận lợi, thu hút các chuyên gia hàng đầu thế giới về Việt Nam làm việc, nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực kế cận”, ông Duy khuyến nghị.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm