Thị trường hàng hóa
Đáng chú ý, nhiều trường xét tuyển nhóm ngành hẹp, ngành khó tuyển có kèm theo các ưu đãi học bổng.
Ngay khi đợt xét tuyển nguyện vọng 1 của mùa tuyển sinh 2022 mới bắt đầu, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM đã thông báo tuyển bổ sung hàng trăm nguyện vọng cho nhóm ngành kén người học của trường như: Quản lý tài nguyên môi trường, Công nghệ kỹ thuật môi trường, Công nghệ dệt may, Dinh dưỡng và Khoa học thực phẩm, Đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm…
Theo TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, nhà trường thường xuyên khó tuyển các ngành trên trong nhiều năm nay. “Hiện nay để thu hút sinh viên đăng ký theo học nhóm ngành khó tuyển, ngoài chính sách hỗ trợ đầu ra việc làm, nhà trường đang kết hợp với nhiều doanh nghiệp xây dựng chương trình hỗ trợ một phần học phí để hút người học theo dạng đơn đặt hàng. Thật ra nhóm ngành này đều là những ngành rất khát nhân lực. Tuy nhiên, do công tác đào tạo chưa đáp ứng được nguồn cung nên hàng năm trường phải thực hiện nhiều chính sách thu hút người học”, TS Nguyễn Trung Nhân cho biết.
Nhóm ngành hẹp, ngành có công việc theo nhiều thí sinh là cực nhọc sau khi ra trường ở bối cảnh hiện nay thực tế đều được máy móc và công nghệ tự động hỗ trợ. Tuy nhiên, theo TS Tô Văn Phương - Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Nha Trang, phụ huynh và thí sinh vẫn khá e ngại khi theo học nhóm ngành này.
“Hiện Trường ĐH Nha Trang tuyển bổ sung hàng trăm chỉ tiêu cho các nhóm ngành đặc thù như: Khai thác thủy sản, Nuôi trồng thủy sản, Công nghệ chế biến thủy sản, Kỹ thuật tàu thủy, Kỹ thuật môi trường… Đây là những ngành mà hàng năm trường đều có chính sách thu hút người học như miễn giảm học phí, hỗ trợ KTX, bao đầu ra việc làm cho sinh viên.
Tuy vậy, thí sinh vẫn rất kén chọn theo học. Thực tế mùa tuyển sinh năm nay một lần nữa minh chứng cho sự kén chọn của thí sinh, dù thực tế nhóm ngành này ra trường là có việc làm ngay với mức lương khá cao”, TS Phương cho biết.
Trường ĐH Lâm nghiệp cũng thông báo tuyển sinh hơn 2.000 chỉ tiêu cho nhiều ngành khó tuyển như: Quản lý tài nguyên thiên nhiên, Quản lý tài nguyên rừng (Lâm nghiệp), Lâm sinh, Du lịch sinh thái, Công nghệ chế biến lâm sản… với mức điểm tương đương điểm trúng tuyển đợt 1 và nhích hơn ở ngưỡng 15 điểm.
Hội đồng Tuyển sinh, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TPHCM vừa ban hành Thông báo mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung đối với 8 ngành đào tạo theo phương thức sử dụng kết quả Kỳ thi Đánh giá năng lực ĐHQG TPHCM (từ 610 – 620 điểm) và phương thức sử dụng kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT nằm 2022 (từ 17 điểm), với tổng chỉ tiêu mỗi ngành của mỗi phương thức tối đa là 5 - 15 thí sinh.
Theo nhà trường, 8 ngành (gồm Khoa học Vật liệu, Địa chất học, Hải dương học, Khoa học Môi trường, Kỹ thuật địa chất, Công nghệ Kỹ thuật Môi trường…) đều thuộc nhóm các ngành hướng đến đào tạo nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực phục vụ một số mục tiêu chiến lược phát triển bền vững, phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của quốc gia đến năm 2030. Để thu hút thí sinh, trường quyết định dành thêm các suất học bổng trong đợt xét tuyển bổ sung này tương đương 50% và 100% học phí 1 năm học cho các thí sinh xét tuyển với số điểm cao.
Tương tự, Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TPHCM ngoài việc thông báo tuyển sinh bổ sung đợt 2, cũng công bố thông tin học bổng nhằm hỗ trợ thí sinh đăng ký theo học nhóm ngành đặc thù như: Địa chất học, Khí tượng và khí hậu học, Thuỷ văn học, Biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, Kỹ thuật trắc địa - bản đồ…
PGS.TS Huỳnh Quyền, Hiệu trưởng Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết, chính sách hỗ trợ học phí chỉ là một phần để thu hút người học vào những ngành lâu nay khó tuyển sinh nhưng lại cần cho chiến lược quốc gia. Những năm qua, một số ngành về khí tượng thuỷ văn, tài nguyên biển đảo, tài nguyên nước, địa chất khoáng sản… vẫn rất khó tuyển.
Theo lộ trình thì đến năm 2023 trường sẽ thực hiện tự chủ nhưng các ngành khó tuyển sinh vẫn thực hiện chính sách học phí thấp để thu hút người học. Ông Quyền lưu ý rằng, những ngành khó tuyển không phải là khó tìm việc làm mà chủ yếu là do học sinh chưa có thông tin.
Do vậy, để thu hút người học, theo PGS.TS Huỳnh Quyền, chỉ riêng việc cấp học bổng hay thực hiện chính sách học phí thấp là chưa đủ mà công tác dự báo nhân lực phải thực hiện tốt để học sinh có đầy đủ thông tin về ngành nghề trước khi quyết định. Quan trọng hơn nữa là chính sách tiền lương phải đảm bảo bởi những ngành học này nhu cầu việc làm ít hơn so với các ngành mà đông người học.
“Với nhóm ngành này ngoài việc thí sinh có cơ hội trúng tuyển lớn, được hỗ trợ học bổng thì cơ hội việc làm sau tốt nghiệp gần như là 100% vì nhu cầu nhân lực nhóm ngành nghề trên hiện đang cực kỳ khan hiếm”, ông Quyền nói. |
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm