Thị trường hàng hóa
“Cơ Hội Cho Ai? - Whose Chance?” mùa 4 tập 11 chứng kiến hai nữ ứng viên trẻ được tiếp xúc với hai môi trường học tập khác nhau tranh tài, với chủ đề tranh biện: “Có quan điểm cho rằng nhiều du học sinh về nước khó xin việc do ảo tưởng lương cao. Bạn nghĩ sao về quan điểm này?”.
Phạm Hồng Nhung, 22 tuổi đến từ Tiền Giang - cử nhân loại giỏi chuyên ngành Hóa hữu cơ (ĐH Bách khoa TPHCM) đồng ý quan điểm nêu trên dưới góc nhìn của nhà tuyển dụng. Cô cho rằng bên cạnh kiến thức học được như nhau, thì du học sinh có một số lợi thế so với các ứng viên học tập trong nước, ví dụ như khả năng ngoại ngữ, kỹ năng độc lập trong công việc và cuộc sống.
Nhung cho rằng khi đã tiêu tốn nhiều cho việc du học, thì về nước tìm việc, du học sinh mong muốn có thể nhận lại mức lương tương xứng. Mức thu nhập đó có thể là bình thường đối với đất nước mà các bạn đang theo học, nhưng có thể hơi cao so với thị trường lao động trong nước.
Đối thủ của Nhung là Lê Minh Thùy (24 tuổi) - một trong những sinh viên xuất sắc ngành Kỹ sư cầu đường tại Đại học New South Wales, Australia. Từng du học và làm việc tại Úc, Thùy bày tỏ không đồng ý với nhận định trên.
Theo Thùy, du học sinh có nhiều trải nghiệm sinh sống, học tập, làm việc với nhiều người với những ngôn ngữ khác nhau, đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau. Doanh nghiệp Việt đang vươn mình ra biển lớn. Và việc một công ty sở hữu nhân viên có sự am hiểu về nhiều nền văn hóa như vậy, sẽ là một cầu nối vô cùng quan trọng.
Du học sinh quen với cuộc sống tự lập, tự học ở môi trường quốc tế. Thói quen này sẽ giúp các bạn dễ dàng thích nghi, học hỏi nhanh khi gia nhập tổ chức doanh nghiệp. “Các bạn du học sinh không ảo tưởng lương cao. Họ xứng đáng với mức lương như kỳ vọng”, Thùy khẳng định.
Trước câu hỏi được đặt ra từ Hồng Nhung rằng “Theo chị, mức lương như thế nào là cao?”, Minh Thùy cho biết “Mình sẽ không nói là lương cao, thay vào đó là mức lương phản ảnh đúng giá trị mà bạn mang lại cho công ty”. Bên cạnh đó, cựu du học sinh 9x cũng cho hay, thị trường lao động là “thuận mua vừa bán”, có doanh nghiệp cho rằng mức lương kỳ vọng của cô là hơi cao, thì cũng sẽ có công ty nhận thấy khả năng của cô vả chấp nhận mức lương đó.
“Trong tình huống chị không thành công trước một người không du học như chị, chị có buồn không?”, Hồng Nhung phản biện đối thủ. Minh Thùy cho biết sẽ không buồn nếu thua cuộc trước một ứng viên học tập trong nước trong cuộc đua ứng tuyển. Cô cho rằng mỗi người đều có thế mạnh, sở trường riêng. Nếu đối thủ phù hợp với doanh nghiệp hơn cô, thì cô sẽ vui vẻ chấp nhận.
Trước màn đối đáp của hai ứng viên, bà Lưu Nga - Nhà sáng lập Thương hiệu Thời trang Elise đưa ra quan điểm: “Bằng cấp cũng chỉ là một tờ giấy mà thôi. Về cơ bản, các em học tập và tốt nghiệp ở nước ngoài và Việt Nam mới ra trường là như nhau. Có thể ngoại ngữ của các bạn du học sinh sẽ tốt hơn, nhưng không phải doanh nghiệp nào ở Việt Nam cũng cần nhân viên sử dụng ngoại ngữ nhiều. Và nếu không cần sử dụng đến ngoại ngữ, thì 2 em làm thế nào để chứng minh sự khác nhau về năng lực giữa một du học sinh và bạn học tập trong nước để đạt được mức lương kỳ vọng của mình?”
Hồng Nhung chia sẻ bản thân luôn đi lên từ kiến thức đã được học trên ghế nhà trường và luôn nỗ lực trong quá trình làm việc, nhằm tạo ra giá trị riêng, cống hiến cho doanh nghiệp, thông qua đó nhận lại mức thù lao xứng đáng, đôi bên cùng có lợi.
Còn với Minh Thùy, khả năng ngôn ngữ chỉ là một phần. Theo cô, lợi thế nhất của du học sinh là trải nghiệm làm việc với đa quốc gia, đa văn hóa, dẫn đến các bạn có được sự thích nghi nhanh trong nhiều tình huống.
Không cho ý kiến của Minh Thùy là đúng, Nhà sáng lập Thương hiệu Thời trang Elise cho lời khuyên: “Chị cho rằng trong một cuộc phỏng vấn, thì khả năng ứng biến tình huống đối với người phỏng vấn là quan trọng nhất. Thứ hai, các bạn từ nước ngoài về không nên đặt nặng vấn đề làm việc đa quốc gia, đa ngôn ngữ, mà hãy xem mình như một sinh viên tại Việt Nam, thì các bạn sẽ có nhiều cơ hội hơn”.
Kết thúc vòng Đối mặt, Hồng Nhung giành chiến thắng thuyết phục trước đối thủ là cựu du học sinh với điểm số 4/5 để bước tiếp vào vòng trong. Nữ ứng viên sinh năm 2000 nhận được 2 offer tại:
- Dh Foods cho vị trí Nhân viên R&D và Quản lý Chất lượng với mức lương 16 triệu đồng
- Tập đoàn ASIM cho vị trí Scrum Master tập sự với mức lương 12 triệu đồng
Chia sẻ về mức lương kỳ vọng là 10.000.001 đồng, Hồng Nhung cho hay, đối với cô hiện tại, 10 triệu đồng đã đủ trang trải cuộc sống, 1 đồng còn lại để hướng về gia đình. “Em luôn tự nhủ với lòng là khi mình có lương 10 triệu, thì sau khoản 10 triệu đó, em sẽ dành tất cả cho gia đình. Em mong hôm nay là một khởi đầu mới để em có thể hoàn thành trách nhiệm của em với gia đình mình”, Hồng Nhung cho hay.
Kết quả cuối cùng, Hồng Nhung đã quyết định lựa chọn đầu quân về Dh Foods cho vị trí Nhân viên R&D và Quản lý Chất lượng với mức lương 16 triệu đồng.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm